Cuộc cách mạng tiên phong với hai trụ cột công nghiệp và thương mại
10 sự kiện nổi bật ngành Công thương năm 2023 Bộ Công thương yêu cầu không để thiếu điện trong mọi tình huống |
Nhiều thành tựu quan trọng
Năm 2023, nước ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo.
Trong bối cảnh đó, được sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận khi lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm…
Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành Công thương đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.
Ngày 25/7/2023, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) |
Ngành Công thương đang tiên phong đi đầu với hai trụ cột (là công nghiệp và thương mại) để đổi mới và phát triển đất nước. Những công việc của ngành đã triển khai trong năm 2023 mang tính cách mạng, đổi mới và thử thách.
Theo đó, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm 2023 tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực.
Về xuất nhập khẩu, trong năm 2023, tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. |
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8 - 9 %). Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, nhu cầu mua sắm tăng.
Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ; Củng cố liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.
Đối với thị trường xăng dầu, công tác điều hành giá và đảm bảo nguồn cung được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, luôn theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực (quản lý thị trường, phòng vệ thương mại, hội nhập, xúc tiến thương mại, quản lý cụm công nghiệp, khuyến công, khoa học và công nghệ, tổ chức cán bộ...) được tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn ngành.
Cơ cấu ngành gắn với đổi mới sáng tạo
Về triển khai nhiệm vụ năm tới, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm 2023 tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế |
Trên cơ sở đó, năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành Công thương sẽ tiếp tục chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản và khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, ngành Công thương cũng sẽ chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Ngành Công thương tích cực, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. |
Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các điểm nghẽn và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế đất nước.
Cùng với đó là việc đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Đặc biệt là việc chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác, chế biến khoáng sản quý) để trở thành một động lực thúc mới đẩy sự phát triển của ngành Công thương trong thời gian tới.
Ngoài ra, ngành Công thương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế, như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, chíp và chất bán dẫn. Đồng thời, ngành tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Người đứng đầu ngành Công thương cũng nhấn mạnh việc chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tácquản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Mặt khác, ngành Công thương cũng sẽ tập trung sắp xếp lại bộ máy, nhân sự; chấn chỉnh, sốc lại kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
"Lãnh đạo Bộ Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện kế hoạch hành động của ngành trong năm tới và tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao", Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.