Công bố tài khoản tiếp nhận ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19
Người dân, doanh nghiệp có thể chuyển tiền trực tiếp vào Quỹ vắc xin Covid-19 Apec Group ủng hộ Bắc Ninh 1 tỷ đồng mua vắc xin ngừa Covid-19 Quỹ vắc xin Covid-19 có thêm 30 tỷ đồng từ MB Group |
Bộ Tài chính vừa công bố các tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại của Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể dễ dàng tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện.
Toàn bộ số tiền này sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vắc xin phòng Covid-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
1. Tài khoản tiếp nhận tiền trong nước:
a) Tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước:
- Tên tài khoản: Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.
- Số hiệu tài khoản: 3761.0.9098866.91999 (VND); 3761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR).
b) Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội:
- Tên tài khoản: Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.
- Số hiệu tài khoản: 21110009116868 (VND); 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR).
2. Tài khoản tiếp nhận tiền từ nước ngoài:
- Account name: Fund for Vaccination Prevention of Coronavirus Disease 2019.
- Account number: 21110009116868 (VND), 21110371116868 (USD) and 21110142996868 (EUR).
- Bene bank: Bank for investment and Development of Vietnam JSC,
Hanoi branch – 4B Le Thanh Tong Street, Phan Chu Trinh Ward, Hoan Kiem District, Hanoi City, Vietnam.
- Swift code: BIDVVNVX.
Thông tin về tài khoản tiếp nhận kinh phí ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19. |
Trước đó, ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tìm kiếm, huy động, quản lý các nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực chính từ ngân sách nhà nước để nhanh chóng có được vắc xin phòng Covid-19 phục vụ người dân Việt Nam.
Quỹ được thành lập với mục tiêu: tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để hỗ trợ cùng với nguồn lực ngân sách Nhà nước mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để tiêm chủng cho người dân.
Ngày 27/5, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để triển khai Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước làm Giám đốc Ban Quản lý. Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng Covid-19 hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, tự chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho người dân.
Trước đó, nói về nguyên tắc hoạt động cũng như quy trình tiếp nhận đóng góp về Quỹ vắc xin phòng Covid-19, ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định, quỹ sẽ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại, trên cơ sở đó sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Nếu các doanh nghiệp muốn đóng góp vào quỹ thì hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Theo ông Hưng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào quỹ các khoản tiền mà một số doanh nghiệp đã đóng góp hỗ trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế trong thời gian liên quan đến việc mua vắc xin.
Cũng theo vị này, ngay khi nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai xây dựng để ban hành quy chế hoạt động của quỹ và thiết lập bộ máy quản lý, dự kiến muộn nhất tuần sau sẽ phối hợp với các đơn vị để ban hành được quy chế.
"Hiện tại, khi quy chế hoạt động của quỹ chưa được ban hành, các tổ chức và cá nhân vẫn có thể tiếp tục đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc hoặc Bộ Y tế, sau đó chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan này để chuyển các khoản đóng góp đó về Quỹ vắc xin phòng Covid-19", ông Hưng cho biết.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 là sự kêu gọi một cách tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và không có mức tối thiểu cũng như mức đóng góp tối đa. Tất cả đều trên cơ sở tinh thần tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và với mỗi đồng đóng góp dù là nhỏ nhất chúng tôi cũng đều trân trọng và quản lý công khai, minh bạch.
Đặc biệt, theo quy định tại Khoản 1, Điểm 2-Nghị định 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì đối với khoản chi ủng hộ quỹ vắc xin này, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về vấn đề các doanh nghiệp có tham gia đóng góp vào quỹ thì người lao động trong trong doanh nghiệp có thuộc đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin không, ông Hưng cho biết, việc mua vắc xin hiện nay tập trung qua đầu mối là Bộ Y tế, cơ quan này cũng được giao xác định các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm trong thời gian đầu.
Sau đó, khi chúng ta có lượng vắc xin đủ lớn thì Bộ Y tế sẽ đề xuất mở rộng các nhóm đối tượng được tiên này, trong đó người lao động ở các khu công nghiệp tập trung cũng nên thuộc nhóm được ưu tiên.