Công an khẩn trương điều tra những "góc khuất" tại chùa Ba Vàng
Liên quan đến việc chùa Ba Vàng tổ chức "thỉnh vong báo oán" như phản ánh của báo Lao động, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an TP Uông Bí và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ.
Vị lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh khẳng định vụ việc ở chùa Ba Vàng liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, quyền lợi của người dân, liên quan đến vấn đề "nhạy cảm" là tôn giáo, nên thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đang tích cực làm rõ.
Hiện, các cơ quan chức năng Trung ương cũng như tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều văn bản chỉ đạo làm rõ việc "gọi vong báo oán" tại chùa Ba Vàng.
Công văn hỏa tốc từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Theo UBND TP Uông Bí, ngày 21/3, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã làm việc với lãnh đạo UBND TP về sự việc của chùa Ba Vàng, trong buổi làm việc có sự góp mặt của cả Trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết, trong buổi làm việc, đại diện chùa Ba Vàng thừa nhận có tuyên truyền vong báo oán, giải nghiệp và oan gia trái chủ… Tuy nhiên, nhà chùa cho rằng việc công đức là phật tử tự nguyện và nộp cho "vong".
Trong khi đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh thông tin, vào năm 2015, Phó trưởng Ban, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh đã có Công văn số 125/CV-BTS gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh báo cáo về tình hình chùa Ba Vàng.
Theo công văn, chùa Ba Vàng thuộc phường Quang Trung, TP Uông Bí áp dụng "thanh quy tu học chùa Ba Vàng" với nhiều điểm không phù hợp với truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam như: Mỗi ngày ăn một bữa, nửa tháng tắm một lần, mặc y pháp thường xuyên 24/24 giờ trong ngày. Các vị sư tăng đều vào rừng (gốc cây) tu học, ngủ, nghỉ trong 49 ngày đêm kể cả mưa nắng. Nằm ngủ dưới đất.
Vì những lý do trên, khoảng 40 vị tăng ni chùa Ba Vàng không chấp nhận quy định đã xin xuất chúng bỏ đi. Tình hình trên dẫn đến nội bộ tăng ni chùa Ba Vàng bất ổn, ảnh hưởng chung đến Phật giáo Quảng Ninh.
Đại đức Thích Đạo Hiển - Phó trưởng Ban trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh xác nhận năm 2015 ông đã ký công văn này và gửi đi. Tuy nhiên, sau đó không ai có trao đổi gì và sự việc không giải quyết được, mới dẫn đến câu chuyện mà báo chí phản ánh ở chùa Ba Vàng ngày hôm nay.
Bà Phạm Thị Yến với những buổi rao giảng gọi vong, báo oán
Đặc biệt, người dân phản ánh phật tử có tên là Yến (bà Phạm Thị Yến, SN 1970, cư trú tại TP Hạ Long). Dù không có chức sắc gì trong chùa Ba Vàng nhưng bà Phạm Thị Yến lại được "đặc quyền" thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm truyền bá của chùa Ba Vàng, ngồi giảng pháp cho hàng ngàn phật tử, truyền bá thỉnh vong báo oán…. Bà Yến luôn khuyên nhủ phật tử cúng dường, thu tiền với số lượng lớn. Không chỉ vậy, bà Yến còn sử dụng nhiều phương pháp "trị bệnh" đi ngược với khoa học, y học.
Trước đó, như Tuổi trẻ và Pháp luật đưa tin, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: "Việc gọi vong, trừ vong không có trong giáo lý nhà Phật. Giáo hội sẽ có ý kiến về sự việc trên. Nếu chùa Ba Vàng hoạt động không đúng đắn thì phải chấn chỉnh".
Phó Giáo sư Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Nghiên cứu tôn giáo cho rằng, chuyện vong báo oán là bịa đặt. "Yêu cầu bỏ tiền ra để hóa giải những nghiệp chướng từ nhiều kiếp trước là trục lợi. Phật giáo quan niệm con người có thể cải được nghiệp bằng tích đức, làm việc thiện chứ không phải bằng tiền" - ông Tuấn nói.