Cơm bình dân: Rẻ với ví tiền, đắt cho sức khỏe?

Chỉ 20.000 - 30.000 đồng/suất, vừa rẻ, vừa ngon, lại tiện đủ đường nên những quán cơm bụi, cơm bình dân không khi nào ngớt khách. Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến nguồn thực phẩm và công nghệ chế biến mới thấy thật hãi hùng, ám ảnh.
“Sinh con, sinh cha” chia sẻ về chủ đề sức khỏe, hành vi, trí tuệ với hàng trăm gia đình tại Bình Định Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người Chiều 22/5, cả nước ghi nhận 1.457 ca nhiễm mới COVID-19

Khoảng 11h50, tại một quán cơm trong con ngõ sinh viên của quận Cầu Giấy, người ra người vào không ngớt. Vừa chọn món, Phương Thanh (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, lý do chọn quán cơm bình dân này là tiện lợi, giá thành hợp lý. Chưa đến 30.000 đồng mỗi suất nhưng bữa cơm đã có đủ rau, thịt, đậu và canh. Nữ sinh viên cho biết, vì việc học và làm thêm chiếm khá nhiều thời gian nên hầu như ngày nào cũng ăn cơm ngoài.

Ngon, rẻ nhưng liệu có bổ?

Mỗi ngày, các quán cơm bình dân đều đón rất nhiều vị khách với các ngành nghề khác nhau, từ học sinh, sinh viên, công nhân đến công chức, nhân viên văn phòng… Một đặc điểm dễ nhận thấy, cứ quán nào rẻ thì ở đó rất đông khách.

Anh Thanh Tùng là thợ sửa xe tại đường Giải Phóng (Hà Nội). Anh là khách hàng quen thuộc của một quán cơm bụi trên con phố này. Anh Tùng cho biết, mua cơm ở quán vừa tiện lại rẻ, thêm vào đó thức ăn cũng phong phú.

“Mình là con trai lại ở một mình nên chuyện cơm nước rất ngại làm. Tính ra bây giờ có đi chợ thì vẫn đắt hơn mua một suất cơm bụi”, anh Tùng cho biết.

Quán cơm bình dân thường rất đông khách vì rẻ và tiện lợi
Quán cơm bình dân thường rất đông khách vì rẻ và tiện lợi (Ảnh minh họa)

Các quán cơm bình dân thường chỉ chú trọng số lượng món ăn thay vì chất lượng, nhiều thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn. Không ít món ăn được chế biến nhanh chóng, quá trình sơ chế cũng qua loa.

Khi được hỏi về vấn đề an toàn thực phẩm, anh Thanh Tùng chỉ cười trừ. Không chỉ mình anh mà rất nhiều thực khách khác cũng công nhận cơm quán sẽ không đảm bảo như cơm nhà nấu nhưng vì những lý do cá nhân nên họ buộc phải lựa chọn giải pháp này. Có những thực khách còn lạc quan khi nghĩ ăn bao nhiêu ngày rồi mà không vấn đề gì thì không phải lo lắng.

Suất cơm với giá 20.000 đã có đủ rau và thịt của Thanh Tùng
Suất cơm với giá 20.000 đồng đã có đủ rau và thịt của anh Thanh Tùng

Tuy nhiên, hiểm họa đằng sau những suất cơm giá “sinh viên” này không hề nhỏ. Có thể nhận thấy, không khó để bắt gặp các quán cơm bụi xung quanh trường học, bệnh viện, công sở. Có quán cơm bên ngoài sạch sẽ, bàn ghế ngay ngắn nhưng đằng sau đó - nơi chế biến thực phẩm lại vô cùng mất vệ sinh.

Kinh khủng hơn, có quán cơm lại mất vệ sinh từ khu bàn ăn đến bên ngoài. Tại một quán cơm trên địa bàn quận Đống Đa, ngay vỉa hè trước cửa hàng là một chậu bát bẩn với lênh láng bọt xà phòng. Sau khi thực khách dùng bữa, bát đũa được nhân viên bỏ thức ăn thừa, cho vào chậu này tráng qua rồi chuyển sang một chậu nước khác. Vậy là hoàn thành một quy trình rửa bát, đũa. Thậm chí, nhiều chiếc bát còn nguyên mùi nước rửa hay có chiếc đũa vẫn còn dính cơm, thức ăn.

Mầm họa gây bệnh

Không những tiềm ẩn về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều quán cơm bình dân còn là mối hiểm họa tiềm tàng bởi các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hàng đông lạnh được chế biến thành món ăn thơm ngon.

Thực tế, tại nhiều quán cơm bình dân, các chợ đầu mối là nơi họ lựa chọn thực phẩm. Có được nguồn cung rẻ sẽ cho ra những suất cơm giá siêu rẻ, bán càng được nhiều càng tốt.

Nơi rửa bát của một quán cơm
Nơi rửa bát của một quán cơm bình dân

Thêm vào đó, điều kiện chế biến thức ăn tại nhiều quán cơm khá mất vệ sinh. Một số đầu bếp không đeo găng tay, không tuân thủ quy trình chế biến sạch, thớt thái đồ sống và chín đều chung một chiếc. Đã thế, tại hầu hết các hàng cơm bình dân, thức ăn không được đậy kỹ, có nhiều ruồi nhặng đậu…

Cũng có quán cơm bình dân, dù chủ quán đã đeo găng tay khi lấy thức ăn nhưng vẫn dùng chính tay đó để nhận và trả tiền cho khách cũng như cầm, nắm vào nhiều vật xung quanh.

Bạn Nguyễn Hoàng Anh (sinh viên Đại học Luật Hà Nội) đã có những ngày không quên khi phải điều trị do ngộ độc thực phẩm. Nam sinh kể lại, sau bữa trưa tại quán cơm gần trường, vào buổi chiều lên lớp, mình cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, bụng đau dữ dội. Đến tối, khi không thể chịu đựng, Hoàng Anh được bạn đưa đi cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc do ăn phải thực phẩm bị ôi, thiu. Kể từ đó, cậu cùng các bạn cùng phòng đã cố gắng dậy sớm, đi chợ và nấu cơm ăn tại phòng.

“Một suất cơm có thể rất rẻ với túi tiền nhưng quá đắt với sức khỏe của mình”, bạn Hoàng Anh nhận xét.

Đình Trung
Phiên bản di động