Cổ phiếu bị cắt margin, vốn hóa Petrolimex "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng

Cổ phiếu PLX ngay lập tức phản ứng sau khi xuất hiện thông tin bị cắt giao dịch ký quý (margin) khiến vốn hóa của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng.
Xem xét kỷ luật hàng loạt cựu lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Mỗi ngày Petrolimex thu lãi tiền tỷ từ kinh doanh xăng dầu

Ngày 3/10, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) đã công bố danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quý (margin) trong quý 4/2019.

Trong đó, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bị cắt margin vì Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2019 được soát xét có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.

Cổ phiếu PLX ngay lập tức phản ứng sau khi xuất hiện thông tin bị cắt giao dịch ký quý. Cụ thể, kết thúc ngày 4/10, thị giá PLX giảm tới 3,33%, từ mức 60.000 đồng/cổ phiếu xuống 58.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hơn 2.300 tỷ đồng.

Cũng trong phiên giao dịch ngày 4/10, thanh khoản của cổ phiếu PLX cũng tăng đột biến với khối lượng khớp lệnh gần 1,6 triệu đơn vị, gấp 5 lần trung bình 10 phiên gần nhất.

co phieu bi cat margin von hoa petrolimex boc hoi hang nghin ty dong
Nguồn: HOSE.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019 vừa được công bố, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 2.528 tỷ đồng, giảm hơn 17 tỷ đồng so với con số tự lập trước đó.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán giữa niên độ 2019, đơn vị kiểm toán cho rằng một công ty con của Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 135 tỷ đồng dựa trên những ước tính về sự suy giảm giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho cuối năm 2019.

"Việc ghi nhận khoản dự phòng hàng tồn kho này chưa phù hợp với các quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 02 - hàng tồn kho, theo đó dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần được lập dựa trên ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày kết thúc kỳ kế toán", đơn vị kiểm toán viên nhấn mạnh.

Nếu Petrolimex ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam thì giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ cùng lợi nhuận kế toán trước thuế tăng tương ứng 135 tỷ đồng. Từ đó, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng 27 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng gần 64 tỷ đồng và lợi ích cổ đông không kiểm soát tăng hơn 44 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía Petrolimex, nhu cầu về sản lượng tiêu thụ của các hãng hàng không tăng cao vào những tháng cuối quý 2, quý 3 nên Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex (công ty con do Petrolimex nắm 59% vốn) đã nhập hàng dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho nhu cầu. Tuy nhiên, do các khách hàng lớn giảm sản lượng mua nên tồn kho tăng cao.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu diễn biến không ổn định trong quý 2/2019 (tăng trong hai tháng đầu quý và giảm vào tháng cuối quý) xu hướng này dự báo sẽ vẫn còn tiếp tục cho đến cuối năm.

Vì vậy, thay vì trích lập dự phòng dựa theo giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày cuối kỳ kế toán thì Petrolimex trích lập dựa trên những ước tính về sự suy giảm giá trị thuần của hàng tồn kho đến cuối năm 2019 theo nguyên tắc thận trọng.

Tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa họp kỳ 39 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để tập đoàn có nhiều vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ; trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản; hoạt động kinh doanh xăng dầu; cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước và thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước.

Về cá nhân, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Bùi Ngọc Bảo, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Trong khi đó, các ông: Trần Văn Thịnh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Ủy viên HĐQT, nguyên Tổng giám đốc, Trần Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên HĐQT, Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Petrolimex Singapore cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các ông nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Văn Huy

Bình luận

Phiên bản di động