Có phải người trẻ không còn muốn phấn đấu?
Giới trẻ “rối đầu” với nhiều kiêng kỵ dịp tháng 7 "cô hồn" Người trẻ chần chừ sinh con vì lương thấp, chưa mua được nhà Xu hướng làm việc online với thu nhập ổn định cho giới trẻ thời 4.0 |
Xu hướng "nằm yên"
Hai năm kể từ khi bắt đầu học đại học, Trần Công Quyền (20 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) rất ít khi rời khỏi nhà. Quyền ngại gặp gỡ mọi người, không còn đi chơi, đá bóng hay xem phim cùng bạn bè như trước. Chàng trai 20 tuổi cũng từ chối các chuyến du lịch cùng gia đình và chẳng hề hứng thú với chuyện hẹn hò, tìm người yêu.
Thường lệ mỗi ngày, nam sinh ngành công nghệ thông tin chỉ đi từ nhà đến trường rồi lại trở về nhà, vào phòng riêng để làm bài tập, đọc sách hoặc chơi game chứ ít khi gặp bạn bè. Chàng trai trẻ cho biết bố mẹ vẫn cảm thấy ổn với lối sống của con mình. Điều đó càng khiến Quyền thực sự không quan tâm người khác nghĩ gì về mình.
“Mình từng quan tâm đến nhiều vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là điện ảnh và âm nhạc. Nhưng giờ đây, mình không muốn để ý đến hầu hết mọi chuyện, ngoại trừ những thứ ảnh hưởng đến mình.
Nhiều người trẻ hiện đại đang sẵn sàng lựa chọn công việc ít áp lực, thu nhập trung bình để có một cuộc sống “dễ thở” hơn |
Mình cũng cảm thấy không cần phải tìm kiếm công việc có mức lương hoặc vị trí cao. Mình sẽ luôn ổn, miễn là không bị đói, phải chi chi tiêu quá nhiều hay làm việc tới mức kiệt sức”, Công Quyền nói.
Phong trào "nằm yên" xuất phát từ giới trẻ ở Trung Quốc, nói về lựa chọn đứng ngoài thời cuộc thay vì vất vả cho cuộc sống và những ước mơ. Đây là phản ứng của người trẻ nhằm chống lại "văn hóa làm việc vắt kiệt sức" cũng như kỳ vọng không ngừng hướng về người trẻ từ gia đình và xã hội.
Dù vấp phải những phản ứng trái chiều nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đồng tình và cho rằng bản thân không thấy có gì sai trái khi tránh né việc cạnh tranh, gây ảnh hưởng tới tinh thần cũng như cảm xúc của bản thân.
Lê Phương Quỳnh (22 tuổi, sinh viên năm cuối) cho biết ưu tiên của cô sau khi tốt nghiệp là sự thoải mái chứ không phải mức lương cao hay sự nghiệp hoàn hảo, đầy hứa hẹn.
“Mình đã trải qua khá nhiều chuyện trong cuộc sống nên bây giờ, mỗi khi gặp thử thách, mình sẽ mất động lực làm việc và điều này khiến mình thấy khó chịu, không hạnh phúc. Mình không nói rằng mình lười biếng. Mình chỉ không muốn cạnh tranh với những người khác, hay kiếm tiền mà không có thời gian để tiêu chúng”, Phương Quỳnh chia sẻ.
"Từ chối" áp lực
Vừa tốt nghiệp ngành quản trị dịch vụ du lịch với tấm bằng xuất sắc tại một trường đại học nổi tiếng ở Hà Nội, Lê Nguyễn Vân Anh (23 tuổi) vẫn tiếp tục làm nhân viên bán hàng part-time cho một brand thời trang và chưa vội tìm việc làm toàn thời gian.
Tốt nghiệp ngành quản trị dịch vụ du lịch với tấm bằng xuất sắc, Vân Anh vẫn lựa chọn một công việc part-time để bản thân cảm thấy thật thoải mái |
“Mình thực sự thích tính linh hoạt trong công việc bán thời gian của mình. Mỗi tuần mình chỉ cần làm việc trong 4 ngày nên mình có thể vừa làm vừa nghỉ, như vậy sẽ đỡ mệt mỏi hơn. Nhiều bạn học cùng trường của mình cũng đang giống như vậy”, Vân Anh nói.
Vì là con một và đang sống cùng bố mẹ, Vân Anh không phải trả tiền thuê nhà hay các chi phí khác nên với mức lương 6 triệu mỗi tháng, cô gái trẻ cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Vân Anh cũng không quan tâm đến chuyện tìm người yêu hay lập gia đình vì cho rằng với cô lúc này không có điều gì quan trọng bằng việc giữ cho bản thân thực sự thoải mái.
Nguyễn Ngọc Mai (17 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì cho biết khoảng 2 năm trở lại đây, đã có nhiều lúc cô bạn không còn nỗ lực hết mình cho việc học tập. Áp lực đồng trang lứa nặng nề khiến nữ sinh 17 tuổi thường xuyên mệt mỏi. Ngọc Mai cũng cảm thấy lo lắng và không ổn mỗi lần có bài kiểm tra.
Ngọc Mai chia sẻ rằng phần lớn những áp lực và sự khó chịu của mìnhi đến từ việc thường xuyên bị so sánh với bạn cùng lớp, bạn bè của bố mẹ và những khó khăn để hiểu các bài giảng, đặc biệt là khi dịch bệnh xảy ra.
“Mình vẫn đang nỗ lực hết mình để thi đỗ đại học. Tuy nhiên, nếu các giáo viên thúc giục mình quá nhiều, mình sẽ chỉ thấy thêm áp lực”, Ngọc Mai chia sẻ.
Người trẻ hiện đại cho rằng bản thân không thấy có gì sai trái khi tránh né việc cạnh tranh, gây ảnh hưởng tới tinh thần cũng như cảm xúc của bản thân |
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên (Trung tâm Trị liệu các vấn đề tâm lý Mindcare), những bạn trẻ mới đi làm hay vừa tốt nghiệp đại học là phần lớn những người sẵn sàng “nằm yên”.
“Một phần lý do khiến giới trẻ ngày nay đưa ra những lựa chọn khác nhau là bởi họ xuất thân từ đủ kiểu hoàn cảnh gia đình phức tạp. Sự phức tạp này khiến một bộ phận giới trẻ đau khổ và hoài nghi về giá trị bản thân, đồng thời ảnh hưởng đến các mối quan hệ của họ.
Ngày càng nhiều thanh thiếu niên tại Việt Nam bị căng thẳng, phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần và buộc phải dùng thuốc điều trị. Vì vậy, ngoài việc giới trẻ phải tự tìm cho mình những đam mê, có lối sống lành mạnh, khoa học, các bậc phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thái độ của con cái và cần quan tâm nhiều hơn đến trạng thái tinh thần của con mình ngay từ khi còn bé”, chuyên gia Phạm Thảo Nguyên chia sẻ.