Có một nơi, người Hà Nội hái lá tre ra tiền

Công việc hái lá ra tiền này không hề đơn giản mà đầy tính chất nặng nhọc, vất vả của người dân thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Hà Nội: Chú trọng phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ Người "chở chữ" cho đời bằng cả tâm huyết và sáng tạo

Nghề mang lại nguồn sống

Theo người dân nơi đây, nghề hái lá tre tại thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã có từ năm 1992.

Thời điểm đó, người dân trong thôn chủ yếu mưu sinh bằng nghề đốn củi trên rừng rồi đem về rao bán ở các chợ trong vùng.

Một số người Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam làm nghề hái lá tre rồi sau đó mới "mách nước" cho người dân nơi đây cách hái lá tre và từ đó họ kiếm sống bằng nghề này.

Người dân Đồng Chiêm gắn bó với nghề hái lá tre đã lâu
Người dân Đồng Chiêm gắn bó với nghề hái lá tre đã lâu

Từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm người dân thôn Đồng Chiêm lại vào rừng hái lá tre, sấy khô, đóng gói để xuất khẩu ra nước ngoài.

Chị Phạm Thị Vinh, người dân thôn Đồng Chiêm chia sẻ: "Tôi đi từ 5h sáng, được tầm 15kg. Có ngày được 200 - 300 nghìn đồng. Có khi mất cả buổi chỉ được 100 - 150 nghìn đồng".

Lá tre đạt yêu cầu có kích thước bề ngang 10cm, chiều dài 40cm trở lên. Vào những ngày mùa mưa, ngọn non của cây tre "đâm chồi nảy lộc", thậm chí những cành lá to gần bằng 2 bàn tay người lộ rõ, nên những người làm nghề khi thấy sẽ hái vì những chiếc lá như này đều có chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Thực làm nghề này đã được gần 20 năm
Bà Nguyễn Thị Thực làm nghề này đã được gần 20 năm

Những người già sức yếu thì làm công việc phân loại lá ở đại lý thu gom.

Bà Nguyễn Thị Thực là một người như vậy. Bà đã làm việc được hơn 20 năm. Công việc phân loại lá giúp bà đảm bảo được cuộc sống hằng ngày.

Trong khi đó, ông Bạch Văn Huân, đại lý thu gom lá tre chia sẻ: "Tôi làm xưởng lá này được hơn 20 năm, tạo công việc cho 15 bà con trong xã, mức thu nhập giao động khoảng 200 nghìn đồng/ngày".

Tôi khuyến khích người dân đi hái vì ông thu mua không giới hạn về số cân nặng. Ai có nhiều thu nhiều, có ít thu ít nhưng phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng trên từng lá.

Cầu vẫn còn, liệu có thiếu cung?

Theo chia sẻ của các đại lý thu mua lá tre, lá khi xuất xưởng hầu hết đều được chuyển sang Đài Loan (Trung Quốc), bởi người dân bên này họ rất ưa chuộng lá tre, họ dùng để gói truyền thống.

Theo quan niệm của người dân Đài Loan thì khi gói bánh bằng lá tre thì vẫn giữ nguyên được mùi hương đặc trưng, sạch sẽ và dễ sử dụng. Có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu, có thời điểm họ đặt hàng hẳn 1 xe container mà cơ sở không có đủ để bán...

Thôn Đồng Chiêm hiện có 3 đại lý thu gom lá tre, tạo thêm việc làm cho hơn 100 người.

Ban đầu người dân chủ yếu hái lá tre tự nhiên, về sau chủ động trồng tre để tăng sản lượng lá và thu hoạch thêm măng.

Lá xuất khẩu phải đảm bảo kích thước
Lá xuất khẩu phải đảm bảo kích thước

Đồng Chiêm là một trong những thôn khó khăn nhất của xã An Phú. Trước đây, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân còn sống phụ thuộc vào nghề đốn củi. Kể từ khi trên địa bàn có đại lý thu gom lá tre, việc hái lá tre để bán đã góp phần cải thiện đời sống của người dân.

Tuy là nghề kiếm được ra tiền và tạo công ăn việc làm cho nhiều người ở thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, Mỹ Đức (Hà Nội), nhưng hái lá tre ở hiện tại đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Bởi hầu hết thế hệ trẻ trong thôn đều đi nơi khác hoặc lên thành phố kiếm sống, tập trung đông đúc về các khu công nghiệp để làm ăn.

Ngày nay ít bạn trẻ ở Đồng Chiêm còn gắn bó với nghề
Ngày nay ít bạn trẻ ở Đồng Chiêm còn gắn bó với nghề

Phần vì công việc nặng nhọc, vất vả, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống nên ít người hái; Phần cũng vì diện tích tre rừng bị thu hẹp, Nhà nước nghiêm cấm việc hái lá tre để bảo tồn nên nhiều người không còn mặn mà với “nghề”.

Lo lắng về sản lượng sẽ dần giảm sát, nguồn hàng xuất xưởng giảm, doanh thu giảm là tâm lý chung của các đại lý thu mua lá tre xuất khẩu ở Đồng Chiêm.

Hoa Thành
Phiên bản di động