Cô giáo dạy học trò bằng cả trái tim
Cô giáo “gieo chữ” ở Bát Mọt và niềm hạnh phúc giản dị Tình yêu nghề mãnh liệt của cô giáo nơi “rừng sâu nước độc” |
Cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên trường THCS Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã kể lại như vậy.
Tận tụy, sẻ chia với học trò
Theo đuổi ước mơ, năm 2000, cô thi đỗ vào khoa Ngữ văn - Lịch sử, trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La. Năm 2003 ra trường, với sức trẻ, khí thế của một cô gái 21 tuổi, cô xung phong đi nhận công tác tại một trường thuộc xã vùng III - trường THCS Bản Lầm, huyện Thuận Châu. Ngày đó, xã chưa có điện, đường đất thì trơn trượt lầy lội, có đoạn dốc đá treo leo, muốn từ nhà tới trường, cô Hương phải đi bộ cả ngày nhưng cô cho rằng, với quyết tâm và lòng đam mê thì không gì là không vượt qua được.
“Quãng thời gian đó thật hạnh phúc và kì diệu khi tôi có thêm rất nhiều đồng nghiệp tốt, những học sinh ngoan, tuổi gần bằng tuổi cô và một người bạn đời dân tộc Thái, đồng thời cũng là đồng nghiệp công tác tại trường”, cô Hương chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương |
Sau 6 năm, cô giáo trẻ được UBND huyện Thuận Châu điều chuyển đến nhận công tác tại trường THCS Tông Lạnh. Trường tuy ở gần đường lớn, đi lại thuận tiện hơn nhưng nhiều khó khăn mới lại nảy sinh, khi đa số học sinh là người dân tộc, có bố mẹ đi làm thuê ở các tỉnh miền xuôi. Tới thăm nhà học trò, cô không khỏi nghẹn ngào khi thấy mấy đứa trẻ tự trông coi, nấu nướng, ăn ở với nhau, hoặc có em may mắn thì được gửi đến ở với ông, bà đã già yếu.
“14 năm công tác tại trường THCS Tông Lạnh, tôi luôn cảm nhận đây là ngôi trường hạnh phúc, khi lãnh đạo cấp trên rất quan tâm, các thế hệ Ban Giám hiệu, đồng nghiệp luôn tạo điều kiện giúp đỡ giáo viên phát huy năng lực sở trường. Quãng thời gian này, tôi được lao động, cống hiến, sáng tạo và thỏa khát khao dạy học mà hồi thơ bé hằng ấp ủ ước mơ”, cô Hương chia sẻ. |
Giai đoạn khó khăn nhất có lẽ là khi bùng phát dịch COVID-19, với khẩu hiệu “Dừng đến trường nhưng không dừng học” nhưng cô Hương và đồng nghiệp vẫn hoang mang không biết làm sao khi thiết bị điện tử thiếu, mạng internet yếu.
Người ta nói: “Không muốn sẽ có cớ, muốn sẽ có cách” và bằng nhiều hình thức như học qua truyền hình, online, qua tài liệu mà thầy, cô mang đến tận nhà phát…, tập thể nhà trường đã hoàn thành tốt mục tiêu đã đặt ra cho năm học.
Giỏi dạy học, đảm việc nhà
Trong quá trình giảng dạy, cô luôn tìm tòi những phương pháp mới để học sinh hiểu bài hơn. Liên tục từ năm 2015 - 2023, cô đều viết sáng kiến cải tiến quá trình dạy học, khơi gợi ngọn lửa đam mê Văn học trong các em bùng cháy, dạy học trò với tất cả kiến thức có từ trái tim, chứ không chỉ đến từ những cuốn sách.
Cô Hương cùng đồng nghiệp trước giờ diễn văn nghệ |
“Mỗi lần các em gọi điện báo tin đã trúng tuyển đại học hay báo: “Cô ơi em được đi làm, em được làm đồng nghiệp với cô rồi”, tôi cảm thấy trào dâng nước mắt”, cô Hương bày tỏ.
Bên cạnh công việc trường lớp, cô vẫn phải đảm nhiệm tốt vai trò của một người con khi chăm sóc bố, mẹ chồng và mẹ đẻ tuổi đều ngoài 80. Trong đó, bố chồng bị tai biến đã phẫu thuật nhiều lần, cần hỗ trợ mọi việc từ ăn uống đến tắm rửa và mẹ đẻ bị tai nạn gãy xương cột sống, gẫy chân, mọi sinh hoạt cá nhân đều nằm trên giường bệnh đã gần 8 năm nay.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương trải lòng: “Thú thực tôi chỉ “dám ốm” nửa ngày, chưa bao giờ “dám ốm” tới một ngày, bởi tôi hiểu rất nhiều người thân đang cần mình hỗ trợ”.
Là giáo viên, cô thấy rất tự hào và hãnh diện khi nói về nghề nghiệp của mình. Từ xưa, ông bà ta đã đúc rút: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” hay “Không thầy đố mày làm nên”. Thế nên, không tự hào sao được khi những người theo nghề này được ví là “những kỹ sư tâm hồn”, giáo dục luôn được đánh giá là “sự nghiệp trăm năm”. Với những mức độ khác nhau, nữ nhà giáo tin rằng, nghề giáo chân chính thì thời nào cũng đáng được trân trọng.
Được trở thành một nhà giáo là cả một bầu trời ước mơ từ thuở còn thơ bé đến khi đã trưởng thành, với trách nhiệm cao cả mà xã hội giao cho, cô giáo Hương nguyện cố gắng để trở thành một người giáo viên tốt, tiếp thêm tay chèo để lái con đò tri thức được cập bến thành công.
“Để thực hiện được điều đó, tôi phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập, rèn luyện, luôn tu dưỡng đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình. Chỉ những ai đã và đang đứng trên bục giảng thì mới cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự cao quý quá đỗi của nghề dạy học. Nghề mà những nhọc nhằn, trăn trở cũng chính là vinh quang. Tôi yêu nghề. Tôi hạnh phúc với nghề”, cô Nguyễn Thị Thu Hương bày tỏ.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương là một trong những tấm gương tiêu biểu được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023. |