Có giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng

Nhất trí về đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP 2025 đạt 8% trở lên, song, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng...
Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh GDP 2025 tăng trưởng 8% trở lên Thống nhất trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025

Sáng 12/2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực.

Bên cạnh các kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn gặp một số khó khăn, thách thức. Thiên tai, bão lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Quy mô, sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI.

Có giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Những động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống chưa được cải thiện mạnh mẽ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, khu vực doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn, trong khi động lực tăng trưởng mới chưa rõ ràng.

Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ.

Theo ông Vũ Hồng Thành, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp.

Có giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng
Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công; quyết liệt điều hành để bảo đảm bội chi, nợ công trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 159/2024/QH15, chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt Kết luận số 97-KL/TW ngày 5/10/2024 của Trung ương Đảng về kinh tế - xã hội năm 2024-2025 đã được thể chế hóa cụ thể trong Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội. Đặc biệt là triển khai quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 123-KL/TW của Trung ương và tùy tình hình thực tế có các giải pháp điều hành phù hợp.

Đồng thời, bám sát mục tiêu tăng trưởng và Kết luận số 123-KL/TW của Trung ương để xác định cụ thể lộ trình, trách nhiệm xây dựng trình Quốc hội các luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và các năm tiếp theo.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phản ứng chính sách; tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh tài chính quốc gia trong trường hợp nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng CPI, bội chi, nợ công.

Cùng với đó là khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 Hiệp định FTA đã ký kết; thúc đẩy, sớm ký kết các hiệp định thương mại tự do đối với các thị trường mới, có tiềm năng; theo dõi chặt chẽ để khai thác hiệu quả việc chuyển dịch thương mại và công nghệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn; minh bạch chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu; chủ động ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.

Chính phủ cũng cần có gó giải pháp cụ thể, thực chất, hiệu quả để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến, nâng cao năng suất lao động.

Đặc biệt là việc thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm hiệu quả việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; không để xảy ra gián đoạn công việc hoặc làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chú ý vấn đề tăng năng suất lao động, chính sách an sinh xã hội. Có cơ chế, chính sách thực chất, hiệu quả bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.

Hậu Lộc
Phiên bản di động