Cơ chế mua bán trực tiếp sẽ thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh
Chính thức ban hành nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp Thợ điện Thủ đô "vượt nắng, thắng mưa" trên công đường dây 500kV mạch 3 |
Chiều 5/7, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực và thế giới, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định.
Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng lên rất nhanh (hiện tại tăng từ 12 đến 13%/năm) và dự kiến sẽ còn tăng cao hơn trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần gấp đôi công suất đặt của hệ thống so với hiện nay (150.424MW, tương đương tăng trên 14%/năm) và dự kiến đến năm 2050 đạt trên 500.000MW, gấp 6-7 lần công suất hiện nay.
Do đó để bảo đảm cung ứng điện bảo đảm theo Quy hoạch điện VIII và yêu cầu trung hòa carbon vào năm 2050, một mặt nước ta cần tăng cường huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn, hệ thống truyền tải và lưu trữ điện.
Mặt khác là phải đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi để đẩy mạnh thu hút đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng tái tạo; hoàn thiện cơ chế giá, vận hành, quản trị, hệ thống (như sửa đổi Luật Điện lực; phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. |
Cùng với đó là xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, cơ chế phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi; ban hành cơ chế giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng); tách bạch giá, phí truyền tải trong cơ cấu giá thành điện năng...).
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, cơ chế DPPA đã chính thức được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP. Đây là bước tiến quan trọng, đột phá, thúc đẩy hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam trong tương lai, đồng thời giúp doanh nghiệp sản xuất có cơ hội lựa chọn nhà cung cấp điện phù hợp để đạt chứng chỉ sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Cũng tại hội nghị, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị và tổ chức quốc tế như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Liên minh năng lượng sạch Châu Á (ACEC), khách hàng sử dụng điện lớn như Samsung và đại diện lãnh đạo các địa phương đều bảy tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công thương và ý nghĩa quan trọng, kịp thời của việc ban hành cơ chế DPPA.
Họ coi đây không chỉ là một cơ chế góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện, mà còn là cơ chế giúp khách hàng đạt được các mục tiêu sản xuất và tăng trưởng xanh.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper |
Theo đánh giá, khi thực hiện cơ chế DPPA, khách hàng sử dụng điện sẽ đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch, qua đó góp phần thu hút đầu tư không chỉ trong ngành năng lượng tái tạo mà còn cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn.
Cơ chế DPPA cũng góp phần không nhỏ trong việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và mức độ cạnh tranh trong hoạt động mua bán điện nói chung và thị trường điện nói riêng.
Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Cục Điều tiết điện lực, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công thương, ngay sau hội nghị này, tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các thông tư hướng dẫn (thuộc trách nhiệm Bộ Công thương); đồng thời tham mưu, kiến nghị các bộ, ngành hữu quan xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới Thông tư hướng dẫn (nếu cần) để bảo đảm việc triển khai thực hiện cơ chế DPPA không có vướng mắc, trở ngại lớn.
Cục Điều tiết điện lực cũng được giao khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng); tách bạch giá, phí truyền tải trong cơ cấu giá thành điện năng...) trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian sớm nhất nhằm tạo đồng bộ, thuận lợi trong triển khai thực hiện và bảo đảm công bằng giữa các bên mua bán điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý 3 điểm căn bản trong thực hiện cơ chế này. Theo đó, các địa phương, đơn vị cần tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (đã được ban hành) và các quy định về đối tượng, phạm vi mua bán điện trực tiếp được quy định trong nghị định này.
Đồng thời, EVN và các bên mua bán điện cần chủ động rà soát các điều kiện về kỹ thuật thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình để bảo đảm tuyệt đối an toàn, không gây sự có đáng tiếc cho toàn hệ thống. Trong khi Quy hoạch điện VIII chưa được rà soát, điều chỉnh theo quy định của pháp luật thì “room” mua bán điện trực tiếp không được vượt quá công suất được quy định trong Quy hoạch điện VIII.