CIC đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thông tin tín dụng
Tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi số
Để triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đối số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, CIC đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng trong toàn bộ hoạt động nghiệp vụ. CIC đã lập kế hoạch chi tiết cho từng năm, kết hợp phân công công tác cho các phòng ban để triển khai kế hoạch chuyển đổi số hiệu quả, thiết thực gắn với công tác chuyên môn để hướng tới mục tiêu: Đổi mới toàn diện hoạt động của CIC; Gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện.
Chất lượng hỗ trợ khách hàng được nâng cao |
Sử dụng công cụ phân tích, khai thác dữ liệu để tạo lập báo cáo chuyên sâu cung cấp cho NHNN
Trong năm 2022, để đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành, thanh tra, giám sát của ban lãnh đạo và các đơn vị NHNN, CIC đã sử dụng các công cụ phân tích, khai thác dữ liệu mới để tạo lập các báo cáo chuyên sâu phù hợp với nhu cầu thực tế của NHNN. Cụ thể, CIC đã hoàn thành xây dựng 14 báo cáo của Quỹ Tín dụng Nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã xây dựng riêng cho Cơ quan TTGSNH và đưa các báo cáo này lên website http://sbvrpt.cic.org.vn để Cơ quan TTGSNH khai thác. Bên cạnh đó, CIC còn cung cấp báo cáo định kỳ, đột xuất cho ban lãnh đạo NHNN về tình hình tín dụng, biến động nợ xấu, lãi suất, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng (TCTD); Tình hình tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng; Cung cấp các báo cáo chuyên biệt phục vụ các Vụ, Cục thuộc NHNN.
CIC vinh danh các đơn vị tiêu biểu trong hoạt động TTTD |
Đa dạng hóa kênh cung cấp sản phẩm, dịch vụ
Năm 2018, CIC triển khai kênh cung cấp thông tin tín dụng (TTTD) trực tiếp hiện đại Host-to-host (H2H) theo chuẩn API. Mô hình kết nối trực tiếp H2H với các giải pháp kỹ thuật mới bao gồm 2 cổng kết nối đặt tại TCTD và CIC (API gateway) cho phép dữ liệu được truyền tự động hai chiều qua đường truyền riêng, đáp ứng tối đa yêu cầu báo cáo TTTD theo quy định của NHNN; Đồng thời khai thác có hiệu quả sản phẩm, dịch vụ của CIC.
Tiếp đó, năm 2019, CIC đã nâng cấp toàn bộ Cổng Thông tin kết nối khách hàng vay, cung cấp báo cáo TTTD trên cả website và ứng dụng điện thoại thông minh với nhiều tiện ích giúp vừa có thể khai thác báo cáo tín dụng của bản thân vừa có thể đăng ký nhu cầu vay và được kết nối với TCTD phù hợp với nhu cầu.
CIC công bố mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân CB 2.0 trên nền tảng công nghệ và thuật toán mới |
Ứng dụng công nghệ học máy trong xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng
Năm 2019, CIC đã ứng dụng nền tảng công nghệ học máy (machine learning) trong việc xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân. Mô hình này có các bước cải tiến nổi bật cả về phương pháp xây dựng, nguồn dữ liệu và phương thức vận hành. Do đó, tính chính xác và độ ổn định của mô hình được đảm bảo, cải thiện hơn so với mô hình cũ. Thông qua mô hình, toàn bộ khách hàng vay thể nhân sẽ được chấm điểm với tần suất định kỳ hàng tháng với nhiều thông tin chi tiết, có giá trị. Tính chính xác và độ ổn định của mô hình được đảm bảo, cải thiện hơn so với mô hình cũ; Chất lượng sản phẩm dịch vụ liên quan được nâng cao, tiến tới đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Áp dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới trong tư vấn, hỗ trợ khách hàng
Để nâng cao chất lượng hỗ trợ khách hàng, từ đầu năm 2022, CIC đã kiện toàn hệ thống tổng đài hỗ trợ khách hàng (HTKH), từ hệ thống phân tán tại các phòng nghiệp vụ tập trung về Bộ phận HTKH, cơ cấu lại lời thoại tổng đài theo hướng tự động hóa, giảm phân nhánh tổng đài; Ứng dụng công nghệ mới để phân tích, nhận dạng câu hỏi và cài đặt lời thoại tự động giải đáp tình huống chậm trả lời tin của TCTD và hướng dẫn khách hàng vay chủ động tự tra cứu TTTD của bản thân.
Những kết quả đạt được
Cơ sở dữ liệu (CSDL) TTTD được mở rộng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu
Thời gian qua, bên cạnh thu thập thông tin từ 100% hệ thống TCTD, CIC còn mở rộng nguồn thông tin tới nhiều đơn vị ngoài ngành như: Thông tin từ các bộ, ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thuế…), từ các tổ chức tự nguyện… Tính đến tháng 11/2022, CIC đã thu thập được thông tin từ 124/124 đầu mối TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.162 Quỹ tín dụng Nhân dân, 4 đơn vị tài chính vi mô và 55 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động TTTD. Độ phủ TTTD của CIC đạt 53,1 triệu chủ thể dữ liệu, chiều sâu TTTD duy trì điểm tối đa 8/8 theo đánh giá của Ngân hàng thế giới. Đồng thời, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, việc cập nhật thông tin tự động được cải thiện qua các năm và đạt 75% năm 2022, tỉ lệ cập nhật thông tin thành công từ TCTD đạt 100%.
CIC tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại |
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 171/QĐ-NHNN ngày 18/2/2022 của Thống đốc NHNN ban hành kế hoạch của ngành ngân hàng triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, CIC đã tích cực phối hợp với các đơn vị Bộ Công an xây dựng triển khai các nội dung công việc liên quan. Việc kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động TTTD của CIC, giúp CIC xác thực khách hàng, làm sạch kho dữ liệu TTTD. Đây là căn cứ quan trọng để CIC xây dựng kho dữ liệu chuẩn xác, đầy đủ từ đó tạo lập sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của Ngành.
Cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sử dụng
Đối với NHNN: Nhờ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm báo cáo chuyên sâu về phân tích đánh giá hoạt động tín dụng, dự báo các chỉ số quan trọng trong hoạt động tín dụng thông qua tác vụ chiết xuất thông tin hiện đại, dễ dàng tùy chỉnh và tiện lợi hơn. CIC đã cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách và thanh tra, giám sát của NHNN. Trong năm 2022, CIC ghi nhận 9.800 lượt truy cập của các Vụ, Cục, các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố qua website báo cáo của NHNN. CIC cũng đã cung cấp thông tin chi tiết về tình hình tín dụng của trên 1.596.000 khách hàng.
Đối với TCTD: Với những cải tiến tích cực từ các kênh cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tỉ lệ cung cấp thông tin tự động của CIC đạt 96.8%, thời gian truy xuất thông tin tự động giảm xuống dưới 10 giây. Nhờ đó, TCTD có nguồn thông tin đầy đủ, kịp thời trong việc đánh giá khách hàng, tìm kiếm khách hàng mới, quản trị danh mục khách hàng cũng như việc xây dựng mô hình quản trị rủi ro nội bộ. Số lượng báo cáo do CIC cung cấp cho các TCTD trong năm 2022 tăng trưởng vượt bậc với hơn 77,7 triệu báo cáo, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm 2021. Không thể phủ nhận rằng, việc có nguồn thông tin nhanh chóng từ CIC cũng góp phần quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của TCTD, đặc biệt là trong thời đại ngân hàng số như hiện nay.
Đối với khách hàng vay: Các báo cáo tín dụng thể nhân được cung cấp trực tuyến 100% giúp khách hàng vay thuận tiện, tiết kiệm thời gian trong việc khai thác. Các báo này giúp cá nhân sử dụng trong nhiều lĩnh vực như tuyển dụng, du học, di cư... không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới. Các báo cáo cũng giúp các doanh nghiệp tự kiểm tra sức khỏe tài chính nội bộ, chứng minh năng lực tài chính trong hoạt động kinh doanh đầu tư với nhà cung cấp, đối tác, hoàn thiện hồ sơ đấu thầu hoặc tham gia các giải thưởng quốc gia có uy tín (Thương hiệu quốc gia, Rồng vàng) cũng như tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tính đến tháng 11/2022, CIC ghi nhận trên 353.000 khách hàng đăng ký mới trên cổng thông tin kết nối khách hàng vay, nâng tổng số tài khoản đến thời điểm hiện tại là trên 797.000, tăng 41% so với năm 2021.
Việc báo cáo thông tin được tự động hóa, giảm thiểu sự can thiệp của con người
Việc triển khai mô hình H2H bên cạnh giúp TCTD trong việc khai thác báo cáo mà còn hỗ trợ đắc lực các TCTD trong việc báo cáo thông tin nhanh chóng, tự động, giảm sự can thiệp của con người trong quá trình thực hiện, từ đó tăng sự chính xác, kịp thời, an toàn, bảo mật của thông tin.
Chất lượng hỗ trợ khách hàng được nâng cao
Nhờ tăng cường tự động hóa, tình trạng nghẽn tổng đài đã giảm đáng kể, nâng khả năng tiếp nhận cuộc gọi đạt 90%, đảm bảo sự kết nối kịp thời giữa CIC với khách hàng vay, người sử dụng dịch vụ. Nhờ có sự tư vấn kịp thời của CIC, khách hàng vay được tiếp cận được các kiến thức cơ bản về hoạt động TTTD và tiêu dùng tài chính để có những hành động phù hợp để tăng điểm tín dụng, tránh phát sinh nợ xấu.