Chuyện nhầm lẫn hy hữu giữa 2 gia đình liệt sỹ lên sóng VTV Đặc biệt
Bắc Ninh khen thưởng các thương binh có thành tích xuất sắc Chủ tịch UBND TP Hà Nội thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách |
Với cách kể chuyện tự nhiên, gây xúc động cho người xem, phim tài liệu "Đường về" thể hiện tay nghề xuất sắc trong cách lột tả nội tâm nhân vật của vị đạo diễn từng giành rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế này.
Nỗi lòng người mẹ về đứa con đã hy sinh. |
Lựa chọn đề tài tìm mộ liệt sĩ, tuy nhiên, không đi theo hướng khai thác những vấn đề cũ, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư quyết định chọn một hướng đi riêng, kể về câu chuyện nhầm lẫn khá hy hữu giữa 2 gia đình liệt sĩ có con cùng tên, cùng quê quán, nhập ngũ cùng năm, hi sinh cùng năm chỉ khác nhau họ và tên đệm.
Theo đuổi hơn 1 năm với đề tài, vượt qua rất nhiều khó khăn và nghi ngại của gia đình nhân vật chính, đạo diễn Quỳnh Tư và ê kíp đã ghi lại được những thước phim sống động mô tả chân thực diễn biến tâm lý của gia đình hai bên, đặc biệt là hai bà mẹ trong quá trình tìm lại con.
Hai mẹ liệt sĩ Lưu Thị Hinh và Hà Thị Xuân trong bộ phim tài liệu. |
Năm 2002, sau nhiều năm tìm kiếm, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình tìm được hài cốt của người con trai là liệt sĩ Đinh Duy Tuân tại An Giang. Vì nhiều lý do, gia đình để phần mộ anh lại đây và lập bàn thờ, thờ tự từ xa.
Năm 2018, đến thắp hương tại mộ, gia đình nhà mẹ Hinh mới biết hài cốt đã không còn ở đó 8 năm nay mà được gia đình mẹ Hà Thị Xuân cùng quê Ninh Bình chuyển về xây cất tại nghĩa trang dòng họ địa phương.
Như vậy phần hài cốt trong mộ thực sự là ai? Là liệt sĩ Đinh Duy Tuân, con trai mẹ Hinh, hay liệt sĩ Bùi Thanh Tuân, con trai mẹ Xuân? Làm thế nào để giải quyết tình huống này? Cuối cùng hai bà mẹ 83 tuổi đã phải đứng trước quyết định đau xót: Khai quật mộ để xét nghiệm ADN.
50 phút của bộ phim đã đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc để rồi lặng đi về ý nghĩa của cuộc sống. Bộ phim thức tỉnh và lay động những phần sâu kín trong mỗi con người, đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời.