Chuyên gia y tế cảnh báo về "Những cái chết trong xe"

Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 40 đứa trẻ tử vong vì cha mẹ bỏ quên trong xe. Số lượng xe ở Việt Nam ngày càng nhiều, người Việt nên biết về nguy cơ của những cái chết trong xe mà phòng tránh. 

LTS: Mới đây, trên mạng xã hội, BS Trương Hoàng Hưng (Texas, Mỹ) đã có một bài viết dài cảnh báo về những cái chết trên xe của trẻ em để các bậc cha mẹ nhận biết về nguy cơ mà phòng tránh. Tuổi trẻ và Pháp luật xin đăng nguyên bài viết của chuyên gia y tế này.

"Hôm nay mạng xã hội nháo nhào cả lên vì cái chết thương tâm của một em bé 6 tuổi bị bỏ quên trong xe cả ngày và tử vong. Có lẽ đây là lần đầu tiên một chuyện như vậy xảy ra ở Việt Nam. Nhưng ở các nước mà xe ô tô là phương tiện di chuyển chủ yếu như Mỹ thì thường gặp lắm. Mỗi năm ở Mỹ tròm trèm cỡ 40 đứa nhỏ chết tức tưởi vì cha mẹ bỏ quên trong xe, hầu hết ở các tiểu bang miền nam nóng gắt như Texas, Cali, Arizona, Florida, mà hàng đầu vẫn là Texas, chắc tại nó vừa to vừa nóng. Có câu lan truyền là ở Texas cái gì cũng to.

chuyen gia y te canh bao ve nhung cai chet trong xe

Số lượng xe ô tô càng ngày càng nhiều ở Việt Nam, cộng thêm khí hậu nắng nóng quanh năm, người Việt nên biết về nguy cơ của những cái chết trong xe mà phòng tránh.

Nguyên nhân tử vong

Một số bạn cho rằng khi bị bỏ quên trong xe trẻ sẽ bị ngạt thở vì không gian trong xe nhỏ sẽ không đủ oxygen cho trẻ thở trong một thời gian dài. Chuyện này là không thể xảy ra. Vì sao không thể?

Một xe ô tô cỡ như Honda Pilot (tương đương với Fortuner ở Việt Nam) có dung tích không khí trong xe khoảng 4800L, theo số liệu hãng Honda. Một người trưởng thành có thể tồn tại với 1.000L không khí trong 2 giờ, như vậy một người sẽ có thể tồn tại trong chiếc xe này khoảng 10 giờ, trẻ em còn lâu hơn nữa.

Thế nhưng nếu bạn cho xe ô tô là khoang kín hoàn toàn là sai lầm, trong xe có các lỗ thông gió cho máy lạnh, phần trước thông ra khoang động cơ phía trước, phần sau thông ra khoang hành lý phía sau. Cho nên không khí trong xe ô tô không kín hoàn toàn mà vẫn lưu thông cho dù bạn tắt máy xe và đóng kín cửa.

Trong một nghiên cứu về tác hại của hút thuốc trong xe tại Mỹ, người ta đo tốc độ luân chuyển không khí trong xe khi xe đóng kín và tắt máy thì cho thấy tốc độ lưu chuyển không khí là 1.0-3.0 h1. Có nghĩa là không khí trong xe sẽ được thay mới 1-3 lần trong 1 giờ, tuỳ theo cấu trúc xe và đời xe, xe đời cũ không khí lưu thông nhiều hơn xe đời mới.

Giả sử một chiếc xe Honda pilot có đủ không khí cho 1 người trong 10 giờ, thay mới không khí mỗi giờ 1 lần (chậm nhất), thì bạn sẽ không bao giờ hết oxy để thở, trừ khi có hai khả năng:

- Trong xe đang có hơn 10 người, nên thở hết không khí trước khi kịp thay mới trong 1 tiếng.

- Người trong xe đang sử dụng oxy nhanh khủng khiếp như đang chạy marathon.

Đọc tới đây bạn đã hiểu vì sao chuyện chết ngạt trong xe là không khả thi hay chưa? Em bé bị bỏ quên trong chiếc xe bus to đùng thì càng không.

Thực tế chứng minh rằng nhiều người Mỹ không có nhà, lấy xe làm nhà đóng cửa xe khoá lại ngủ qua đêm chả sao cả. Từ xưa tới giờ chưa nghe ai nói bị chết ngạt vì ngủ quên trong xe cả.

Ngộ độc CO

Bé trai 6 tuổi này không thể ngộ độc CO.

Ngộ độc khí CO phải có 2 điều kiện

- Nguồn khí CO, ở đây là máy xe đang hoạt động

- Không gian kín khiến khí CO không phát tán được mà cứ quanh quẩn

Trên thực tế, ngộ độc CO trong xe hay gặp trường hợp nhà hư máy lạnh hay máy heat, chủ nhà không chịu nổi thời tiết quá nóng hay lạnh mà thiếu hiểu biết bèn chui vào xe đang đậu trong garage (không gian kín), mở máy để dùng máy lạnh hay heat (nguồn CO), sau đó ngất và sau đó tử vong luôn.

Xe đậu ngoài trời, dù mở máy đóng cửa vẫn không ngộ độc CO vì khí CO phun ra từ ống bô xe phía sau phát tán rất nhanh ra môi trường xung quanh, trong khi phần lọc khí vào trong xe nằm phía trước, nên rất khó để ngộ độc CO. Thế nhưng khi vào mùa đông nên cảnh giác khi mở máy xe và đậu một chỗ quá lâu vì khí thải sẽ quanh quẩn ở thấp và không phát tán nhanh trong không khí lạnh.

Thật ra các trường hợp bị bỏ quên trên xe rồi chết là do sốc nhiệt (heat stroke).

(Còn nữa...)

BS Trương Hoàng Hưng
Phiên bản di động