Chuyên gia nước ngoài: Nợ công của Việt Nam được kiểm soát tốt

Theo GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Quỹ Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, ngoài việc kiểm soát tốt dịch bệnh, chính sách tài khóa với điểm nhấn là việc kiểm soát nợ công và chính sách tiền tệ hợp lý chính là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam giữ được kinh tế ổn định, duy trì tăng trưởng trong bối cảnh bóng đen COVID-19 phủ lên toàn cầu.
Tăng tỷ lệ nợ công thêm 2-3% GDP: Bộ Tài chính nói gì?

- Năm 2020, mặc dù COVID-19 phủ bóng đen toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế 2,91%. Theo GS, những yếu tố nào đã giúp Việt Nam đạt được kết quả trên?

GS.TS Andreas Stoffers: Trong cuộc khủng hoảng này, Chính phủ Việt Nam đã cân bằng được 3 yếu tố: Sức khỏe của người dân, sức khỏe của nền kinh tế và sự tự do dịch chuyển.

Việt Nam đang định hình khá tốt vị trí của mình trên trường quốc tế.

Có 3 điểm nhấn chủ đạo trong chính sách kinh tế giúp Việt Nam đạt được ổn định và tăng trưởng trong dịch bệnh COVID-19.

Đầu tiên, tôi muốn kể tới các chính sách mở cửa nền kinh tế được Chính phủ Việt Nam củng cố bằng việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA, RCEP…

Điểm nhấn thứ hai là chính sách tài khóa với nợ công được kiểm soát theo chiều hướng giảm. Ví dụ trong năm 2020, nợ công của Việt Nam ước chừng khoảng 57% GDP, đồng thời cơ cấu nợ cũng thay đổi. Tỉ lệ nợ nước ngoài giảm xuống, nợ trong nước cao hơn nợ nước ngoài cho thấy Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài.

Cuối cùng là chính sách tiền tệ. Trong khủng hoảng, Việt Nam đã không để mức lãi suất bằng 0 giống như một số nước châu Âu. Nếu để lãi suất bằng 0 thì sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến lợi nhuận của khu vực ngân hàng và khu vực đầu tư. Tôi rất hoan nghênh Việt Nam đã không sử dụng chính sách này.

- Giáo sư dự báo như thế nào về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

GS.TS Andreas Stoffers: Tôi khá lạc quan với sự phục hồi của Việt Nam. Tôi rất đồng tình với các nhà kinh tế khi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ rơi vào 6-7% trong các năm tiếp theo (2021-2025).

Quan điểm của tôi còn nhận được sự ủng hộ của Phòng Thương mại Công nghiệp Đức tại Việt Nam. Theo khảo sát được công bố vào cuối quý IV/2020, 55% các công ty Đức đang làm việc tại Việt Nam tin Việt Nam sẽ phục hồi trong năm nay (2021). Và 32% doanh nghiệp cho rằng Việt Nam sẽ phục hồi trong năm sau (2022).

Theo đánh giá của tôi, Việt Nam sẽ phục hồi theo hình căn bậc 2. Chúng ta không thể nói trước được về những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, dựa trên biểu đồ tăng trưởng thì kinh tế Việt Nam đã chạm đáy vào năm ngoái (2020) và đang có xu hướng đi lên trong những tháng gần đây.

- Trong những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam vững vàng trước COVID mà GS vừa đề cập ở trên, có yếu tố nào Việt Nam cần chú trọng và kiên trì thực hiện để kinh tế Việt Nam tăng tốc sau giai đoạn phục hồi?

GS.TS Andreas Stoffers: Tôi nghĩ EVFTA là 1 trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là nền tảng rất quan trọng góp phần vào tăng trưởng ở Việt Nam trong thời gian tới.

EVFTA tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận một trong những thị trường lớn nhất thế giới xét về giá trị. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khó đoán định thì thị trường EU càng có vai trò quan trọng với Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ khi hợp tác với doanh nghiệp EU. Thông qua EVFTA, các hàng hóa của Việt Nam sẽ được sản xuất theo công nghệ Châu Âu. Điều này rất quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam nên duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý như thời gian vừa qua, không để cho nợ công tăng quá cao.

Ngoài ra, Việt Nam nên tiếp tục cải cách, nhân rộng mô hình 1 cửa như ở tỉnh Quảng Ninh giúp giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp một cách dễ dàng.

Hay chương trình Bác sĩ doanh nghiệp như ở tỉnh Bắc Ninh, là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài với các cơ quan nhà nước.

Việt Nam cũng cần thúc đẩy quá trình số hóa, phát triển các thành phố thông minh như mô hình đang thực hiện ở Huế; tập trung vào các vấn đề môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Cuối cùng, tôi hy vọng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và Chính phủ Việt Nam sẽ có phương án nới lỏng các điều kiện để chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư, đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế.

- Xin cảm ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động