Chuyên gia lý giải rét giá bất thường cuối tháng 4 và mưa đá liên tục
Từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra nhiều trận mưa đá, giông lốc với mật độ dày hơn, diện rộng hơn và đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Cộng thêm với đó là ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, tình trạng nắng nóng, oi bức đã xuất hiện nhưng hiện tượng rét như chính đông lại xuất hiện trở lại vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua. Đợt rét này được nhận định là đợt rét nhất thời gian sau ngày 20/4 trong vòng 50 năm qua ở Hà Nội.
Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng, nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết cực đoan kể trên một phần do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan có nguy cơ xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Cụ thể về nguyên nhân của các đợt mưa đá diện rộng và lần rét nhất sau ngày 20/4 trong 50 năm qua ở Hà Nội một phần nữa là do có tác động của nhiều tổ hợp thời tiết xấu ảnh hưởng, cùng lúc đó là khối không khí lạnh, hội tụ gió trên mực 5000m kết hợp với nhau gây ra.
"Theo nhận định của chúng tôi thì khối không khí lạnh gây mưa rét ở miền Bắc đang suy yếu, Bắc Bộ đang giảm mưa và có dấu hiệu ấm lên, dự báo trong khoảng từ nay đến hết tháng 5 còn khoảng 2-3 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, nhưng cường độ của các đợt này là không mạnh như đợt ngày 22 - 23/4 vừa rồi vì thế ít có khả năng gây rét sâu ở Bắc Bộ như trong đợt vừa qua. Tuy nhiên chúng tôi tiếp tục cảnh báo là các đợt không khí lạnh trong giai đoạn giao mùa này khi di chuyển xuống nước ta thường tranh chấp với khối không khí nóng ẩm và hay gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh" - ông Hưởng cảnh báo.
Ông Hưởng cho biết thêm, lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ với trung bình nhiều năm trong những tháng đầu mùa, nhưng khả năng sẽ có xu hướng cao hơn vào những tháng cuối mùa ở các tỉnh miền Trung và phía Nam (từ khoảng tháng 9 đến những tháng cuối năm). Vì thế cần đề phòng các đợt mưa lớn, có thể gây nguy cơ lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất đá ở các nơi xung yếu tại vùng núi phía bắc và khu vực Trung Bộ, ngập úng ở những nơi trũng thấp trong thời kỳ mùa mưa tren các khu vực.