Chuyên gia giáo dục đồng tình bỏ xét tuyển "đầu vào" đại học bằng học bạ

Mới đây, nhiều trường đại học đã có thông báo chính thức về việc nói "không" với việc xét tuyển bằng điểm học bạ. Trước vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng đã bày tỏ quan điểm cá nhân về việc bỏ xét tuyển bằng điểm THPT.
Nở rộ câu lạc bộ cầu lông ở các trường đại học Gần 70% sinh viên trường Đại học Ngoại thương tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc

Không xét tuyển bằng điểm học bạ

Trước kỳ nghỉ Tết dương lịch 2024 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chính thức công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2024, trong đó phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT giảm 7% chỉ tiêu so với năm trước.

Cụ thể, nhà trường tuyển sinh theo ba phương thức: xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu (như năm 2023); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 18% (giảm 7% so với năm 2023); 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường.

Chuyên gia giáo dục đồng tình bỏ xét tuyển
Thông báo Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Như vậy, trong năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT. Trong khi đó, cùng kỳ các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu của nhà trường.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không phải là trường duy nhất tuyên bố nói không với phương án tuyển sinh bằng học bạ. Mà cùng với đó, một số trường top đầu như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội... cũng không xét tuyển đầu vào bằng phương án này. Tuy nhiên, các trường top giữa và top dưới lại có xu hướng gia tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm học bạ trong những năm gần đây.

Tránh "lạm phát" điểm học bạ

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc bỏ xét học bạ trong các kỳ tuyển sinh đại học, PGS.TS. Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, việc bỏ xét tuyển bằng học bạ THPT là một quyết định đã dựa trên sự cân nhắc nhiều chiều, đây có thể xem là một phương án phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đó cũng là cách để học sinh không phải chịu áp lực từ việc học đều các môn, tập trung vào học tập chuyên sâu và phát triển nhiều hơn kỹ năng thực thế thay vì chỉ học để được điểm cao”.

Chuyên gia giáo dục đồng tình bỏ xét tuyển
PGS.TS. Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Đặc biệt, việc các trường tuyên bố bỏ xét tuyển học bạ đã phải cân nhắc dựa trên các số liệu đánh giá tổng kết như: Đánh giá xem liệu phương thức tuyến sinh nào có tương quan tốt với kết quả học tập của sinh viên khi học tại trường; sinh viên trúng tuyển bằng phương thức tuyển sinh nào thì có xu hướng cam kết với ngành học cao hơn, không bỏ giữa chừng; sử dụng phương thức xét tuyển nào thì đỡ tỉ lệ thí sinh ảo hơn…

“Dựa trên những số liệu này cho thấy phương án tuyển sinh bằng kết quả học bạ không có độ tin cậy cao, không tương quan với kết quả học tập năm thứ nhất, không có sự cam kết với chương trình đào tạo hoặc làm tăng tỉ lệ sinh viên ảo thì cũng cần có sự điều chỉnh”, PGS.TS. Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề trên, cô giáo Hoàng Thị Ly (giáo viên trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên) nói: “Tôi hoàn toàn đồng ý với việc không xét tuyển đầu vào bằng điểm học bạ THPT vì điều này sẽ giúp giảm tránh tình trạng không đồng đều giữa các khu vực”.

Chuyên gia giáo dục đồng tình bỏ xét tuyển
Cô giáo Hoàng Thị Ly (giáo viên môn Ngữ Văn, trường THPT Lương Ngọc Quyến) hoàn toàn đồng ý với việc bỏ xét tuyển đại học bằng điểm học bạ THPT của các trường.

Lý giải về quan điểm của mình, cô cho biết, trong nhiều năm qua, nhìn vào thực tế có thể thấy, việc xét tuyển bằng điểm học bạ đã gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội.

"Lạm phát" điểm học bạ đã trở thành vấn đề nghiêm trọng và là tình trạng báo động đến mức có cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ vì có một số trường hợp chạy điểm nhằm mục đích làm đẹp học bạ, nhiều giáo viên cũng tạo điều kiện cho học sinh nên điểm đánh giá nhẹ hơn và gây ra sự không đồng đều giữa các trường... Đồng thời, theo quan điểm của cô Hoàng Thị Ly, việc bỏ tuyển sinh bằng phương pháp xét tuyển học bạ THPT sẽ nhằm giảm tỷ lệ ảo khi lọc hồ sơ trúng tuyển, ít ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh chung và quyền lợi của thí sinh.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động