Chuyển đổi số giúp hệ thống giáo dục hiện đại, minh bạch

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương rà soát để ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho khối ngành công nghệ thông tin, tạo ra nền tảng chung về yêu cầu, chất lượng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc bỏ xét tuyển sớm đại học Gợi mở những góc nhìn về liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập Công khai mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải cho biết, Đề án 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Những văn bản này đã có tác động rất mạnh mẽ đến ngành Giáo dục trong thực hiện chuyển đổi số.

Riêng đối với giáo dục đại học, tại Luật 34/2018/QH14 còn đề cập rõ đến việc “xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; kiểm định, đánh giá, quản lý, giám sát và đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan”.

Theo ông Hải, đến thời điểm hiện tại, ngành Giáo dục đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu trong giáo dục và đào tạo từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đến giáo dục đại học; qua đó, cơ bản đã số hóa các thông tin để phục vụ công tác quản lý tại tất cả các bậc học. Dữ liệu của ngành Giáo dục đã được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kết nối, khai thác các dữ liệu chuyên ngành quản lý.

Chuyển đổi số giúp hệ thống giáo dục hiện đại, minh bạch
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải

Đối với giáo dục đại học, công tác tuyển sinh những năm gần đây hoàn toàn thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Đến nay, các cơ sở đào tạo khi thực hiện đề án tuyển sinh với các minh chứng của đề án tuyển sinh đều đã được số hóa. Có thể nói rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở giáo dục đào tạo đã thực sự tương tác trong quản lý điều hành qua môi trường số, cơ sở dữ liệu.

Trên cơ sở dữ liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai rất nhiều ứng dụng và trong tương lai sẽ tiếp tục triển khai nhiều ứng dụng khác có liên quan để thực hiện chuyển đổi số. Đơn cử, việc chấm điểm thi đua của các cơ sở đào tạo đã không còn thực hiện trên giấy mà chấm điểm trên máy tính.

Không những vậy, thời gian gần đây, các cơ sở đang thực hiện việc đánh giá chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá đã được số hóa.

Có thể nói rằng, đây chính là bước quan trọng để thực hiện nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm công khai, minh bạch.

Về hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, đến nay, chúng ta có thể rằng đây là hệ thống tuyển sinh khá hoàn chỉnh với người dùng là thí sinh. Theo đó, thí sinh đóng lệ phí qua hình thức trực tuyến (thay vì thanh toán bằng tiền mặt như trước kia) và cũng chỉ cần tương tác với ứng dụng cho tất cả các nguyện vọng của mình.

Hàng năm, chúng ta có khoảng hơn 700.000 thí sinh tham gia xét tuyển đại học với 3,5 triệu nguyện vọng đăng ký được hệ thống thực hiện hoàn toàn tự động. Như vậy, so với khoảng thời gian cách đây 5 - 10 năm, chúng ta đã thực sự chuyển đổi hoàn toàn trên môi trường số đối với công tác tuyển sinh.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến triển khai một số nhiệm vụ có tác động rất lớn đến giáo dục đại học trong chuyển đổi số như học bạ số.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học khi xét tuyển vẫn sử dụng học bạ kiểu nửa số (dữ liệu ban đầu để các trường xem xét) nửa giấy (khi thí sinh trúng tuyển để xác nhận). Trên thực tế, năm 2024, chúng ta đã thực hiện thí điểm học bạ số, và dự kiến đến năm 2025 sẽ chính thức triển khai học bạ số, không còn sử dụng học bạ giấy. Học bạ số này sẽ có giá trị pháp lý trong mọi tình huống sử dụng cụ thể.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục dự kiến sẽ thực hiện triển khai văn bằng số. Tới đây, từ bằng tốt nghiệp từ phổ thông đến văn bằng tốt nghiệp của các phương thức đào tạo của trình độ đại học, sau đại học đều được số hóa. Khi đã số hóa văn bằng, tức là chúng ta đã và đang từng bước hiện đại hóa công tác quản lý giáo dục. Bởi, văn bằng là đầu ra của trình độ này nhưng sẽ gắn với các dữ liệu liên quan đến đầu vào của trình độ khác cũng như kết quả của quá trình đào tạo.

Chuyển đổi số giúp hệ thống giáo dục hiện đại, minh bạch
Bộ GD&ĐT đang khẩn trương rà soát để ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho khối ngành công nghệ thông tin, tạo ra nền tảng chung về yêu cầu, chất lượng.

Đây sẽ là bước rất quan trọng nhằm nâng cao việc quản lý đào tạo từ đầu vào đến đầu ra. Đặc biệt, khi đã sử dụng văn bằng số, sẽ không còn xảy ra các vấn đề về tiêu cực trong văn bằng như sử dụng bằng giả, … Việc số hóa đào tạo, số hóa văn bằng cũng sẽ góp phần tăng cường, nâng cao cải cách hành chính của ngành Giáo dục thông qua môi trường số, hướng tới hệ thống giáo dục vừa hiện đại, vừa công khai, minh bạch.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Sơn Hải thông tin, thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ triển khai chính sách “Đẩy mạnh phương thức đào tạo trực tuyến”.

Có thể thấy, đối với giáo dục đại học, đào tạo trực tuyến là một yêu cầu rất quan trọng để các trường nâng cao năng lực đào tạo của mình. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư hướng dẫn về phương thức, hình thức đào tạo trực tuyến.

Để thúc đẩy việc đào tạo trực tuyến, hiện Bộ đang triển khai, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học nhằm triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến dùng chung là nền tảng MOOC. Hiện nay đã có 4 cơ sở giáo dục đại học bước đầu tích cực tham gia gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP HCM, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) với mục tiêu xây dựng nền tảng dùng chung, các trường cùng công tác, phối hợp để chia sẻ, kế thừa các nguồn lực lẫn nhau trong công tác đào tạo. Đây cũng là cốt lõi của mô hình giáo dục đại học số mà tới đây ngành Giáo dục sẽ đẩy mạnh triển khai.

Trong thời gian tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục mở rộng các trường tham gia hệ thống đào tạo trực tuyến dùng chung này. Có thể thấy rằng, với những trường có kinh nghiệm, nguồn lực để triển khai chương trình đào tạo trực tuyến sẽ dễ dàng thuận lợi thực hiện đào tạo trực tuyến, thế nhưng thực vẫn còn nhiều trường gặp khó khăn khi thực hiện. Tuy nhiên, khi tham gia hệ thống dùng chung này, các trường gặp khó khăn có thể kế thừa được các khóa học của những cơ sở giáo dục đại học khác.

Trung Đức
Phiên bản di động