Chứng chỉ IELTS cấp sai quy định vẫn được sử dụng, học sinh "thở phào" nhẹ nhõm
Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS cấp sai quy định
Mới đây, theo kết luận của thanh tra, từ ngày 17/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấp thuận Công ty IDP liên kết với IELTS Australia Pty Ltd để tổ chức thi và cấp chứng chỉ IELTS.
Trong khoảng thời gian từ 1/1/2022 đến 16/11/2022, Công ty này đã tổ chức tổng cộng 56.230 kỳ thi và cấp chứng chỉ IELTS. Trong đó, từ 1/1 đến 9/9/2022, họ đã tổ chức 458 kỳ thi tại hơn 30 tỉnh, thành và cấp gần 47.000 chứng chỉ.
Sau đó, từ 10/9 đến 16/11/2022, họ tổ chức gần 100 kỳ thi trực tiếp và trên máy tính tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, cấp thêm hơn 9.500 chứng chỉ. Tuy nhiên, theo quy định, những chứng chỉ này không được công nhận khi xét tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển đại học.
Một cơ sở của Công ty TNHH Giáo dục IDP Vietnam |
Thông tin về việc cấp chứng chỉ IELTS không đúng quy định đã gây lo ngại cho dư luận, sinh viên và thí sinh liên quan đến quá trình xét tuyển Đại học, xét tốt nghiệp và du học.
Tuy nhiên, Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng khẳng định rằng, các chứng chỉ này sẽ được sử dụng bình thường khi đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, và cam kết tăng cường kiểm tra và giám sát để đảm bảo tuân thủ quy định và bảo vệ quyền lợi của người học và thí sinh.
Kỳ thi IELTS là một trong các kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Anh lâu đời, được công nhận trên toàn thế giới |
Trong thông báo phản hồi vào ngày 9/5, đại diện của IDP xác nhận rằng các chứng chỉ này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận. IDP cũng cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để đảm bảo tuân thủ mọi yêu cầu của các cơ quan quản lý cấp sở tại.
Từ “thót tim” đến ... "thở phào"
Ngay từ những ngày đầu “nghe ngóng” thông tin về việc hơn 56.000 chứng chỉ IELTS do IDP cấp có vấn đề, nhiều bậc phụ huynh và học sinh đã hết sức lo lắng, quan ngại.
Chị Trần Thị Trang (Từ Liêm) đang có hai con ở độ tuổi 19 và 15 tuổi, cả hai đã hoàn thành kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS do IDP tổ chức trong dịp cuối năm 2022. Sau khi biết thông tin tấm bằng tiếng Anh của hai con rơi vào nhóm 56.230 chứng chỉ trước thời điểm mà Công ty IDP được Bộ GD&ĐT cho phép liên kết quốc tế, chị Trang không khỏi “giật mình”.
Các thí sinh tham gia kỳ thi IELTS |
“Tôi dự định cho con lớn đi du học trong dịp cuối năm 2024” – chị Trần Thị Trang nói – “Nếu không có gì trở ngại, con tôi sẽ nhập học đại học vào kỳ học tháng 9 sắp tới. Tuy nhiên sau khi nghe thông tin về vụ việc của IDP, tôi rất lo sợ việc học tập của con có thể bị trì hoãn. Trường Đại học nước ngoài có thể sẽ không thông qua bằng IELTS của con và yêu cầu học bổ sung chương trình ESL (English Second Language) từ một kỳ đến một năm. Việc này sẽ khiến cháu tốn thêm thời gian học, gia đình phải chuẩn bị thêm nguồn tài chính để hỗ trợ việc học của con... Tôi và con đã cùng “ngồi trên lửa” trong suốt những ngày qua. Nhưng thật may là Bộ GD&ĐT đã thông tin kịp thời, xác nhận quyền lợi người sử dụng chứng chỉ không bị ảnh hưởng, tôi mới được “thở phào”.
Năm 2022, bạn Đào Thu Hà (Thường Tín) đã dành ra một năm để “cày cuốc” chăm chỉ nhằm đạt được số điểm 7.5 IELTS như kỳ vọng.
Thu Hà hiện đang học theo chương trình đào tạo liên kết của trường Đại học RMIT Hà Nội và cũng nung nấu ý định đi du học Australia vào cuối năm 2024. Khi nghe bạn bè “xôn xao” về việc sai phạm cấp phép chứng chỉ của Công ty IDP, Hà đã hết sức “bàng hoàng”.
Nhiều phụ huynh, học sinh đã không khỏi "thót tim" trước thông tin vừa qua về vụ việc IDP "cấp trái phép" chứng chỉ |
Thu Hà chia sẻ: “Em đã thi chứng chỉ IELTS theo hình thức IELTS Academic (Học thuật) dành cho những ai muốn học ở bậc đại học hoặc các học viện, các hình thức đào tạo sau đại học. Ước mơ của em là học Thạc sĩ theo ngành MBA (quản trị kinh doanh). Nhưng nếu tấm bằng tiếng Anh của em không được chấp nhận quốc tế, việc đăng ký học tập tại Melbourne sắp tới của em sẽ hết sức khó khăn. Nhà trường đã thông báo từ trước, đối với du học sinh nếu không đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEIC,... sẽ buộc phải học chương trình đào tạo tiếng Anh chuyên ngành trong vòng một năm rưỡi.
Việc này sẽ khiến thời gian học Thạc sĩ của em kéo dài thêm kèm theo đó là tiền học cũng “đội” cao. Em đã “cầu nguyện” cho tấm bằng của mình suốt những ngày qua. May mắn là Bộ GD&ĐT đã xét đến quyền lợi của những người sử dụng bằng và cho bằng IELTS của em được thông qua “an toàn”, đúng là một pha “hết hồn”.
Tại Việt Nam, British Council (Hội đồng Anh) và Công ty TNHH Giáo dục IDP là hai đơn vị tổ chức thi IELTS uy tín |
Chia sẻ về việc này, cô giáo Nguyễn Thị Như Ngọc (giáo viên ESL – trường ĐH Melbourne) cho biết: “Các em học sinh bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc để học và thi chứng chỉ IELTS. Nhiều em phải thi tới 3-4 lần mới đạt được số điểm theo nguyện vọng. Vậy nên các bạn “hoảng hốt” khi nghe tin bằng IELTS của mình có nguy cơ bị từ chối là việc dễ hiểu. Tôi cho rằng, các bạn thi chứng chỉ IELTS dù trong hay ngoài nước đều cần xác minh rõ ràng về cơ sở, công ty chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi.
Ở Việt Nam, ngoài Công ty IDP còn có British Council (Hội đồng Anh) cũng là một đơn vị tổ chức thi IELTS uy tín, lâu năm. Xác minh đơn vị tổ chức là việc hết sức quan trọng, bởi nếu đơn vị đó chưa được cấp phép hay gặp vấn đề sai phạm về cấp chứng chỉ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, thi cử của các em. Đáng mừng là vụ việc vừa qua của Công ty IDP không gây ảnh hưởng xấu đến tấm bằng của hàng nghìn thí sinh. Các em vẫn sẽ có cơ hội tiếp tục theo đuổi ước mơ, mục tiêu của bản thân mà không bị gián đoạn vì sự việc đột ngột vừa qua”.