Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Quy hoạch đất đai phải gắn chặt chẽ, khoa học với các quy hoạch khác
Sáng 23/11, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã phát biểu giải trình thêm một số nội dung các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về vấn đề đầu tư công.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, qua tổng hợp thảo luận, nhiều ý kiến thống nhất đánh giá, đầu tư công vẫn là khâu yếu của các năm, trong đó đặc biệt là năm 2022 và đề nghị phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân thực chất của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Trong đó, đánh giá về hiệu quả đầu tư, các ý kiến cho rằng cần đánh giá giám sát hiệu quả đầu tư từ trước khi dự án được phê duyệt; Về liên thông phối hợp đề xuất và triển khai đầu tư công giữa các địa bàn trong cùng lĩnh vực và giữa các lĩnh vực với nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục rà soát quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tích hợp các ngành khi đề xuất dự án, trong đó đặc biệt là giao thông phải luôn đi trước; Quy hoạch đất đai phải gắn chặt chẽ, khoa học với các quy hoạch khác.
Qua thảo luận của các đại biểu, tỷ lệ giải ngân cần được đánh giá kỹ về nguyên nhân, lý do vì hàng năm kết quả giải ngân đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện đều cao hơn so với vốn ngân sách thành phố.
Cụ thể, đến 20/11/2022, cấp huyện giải ngân đạt 63,61%, trong khi các dự án thành phố giao quận huyện làm chủ đầu tư chỉ đạt 32,96%. Qua phân tích, các đại biểu đều thống nhất rằng các dự án dùng vốn ngân sách thành phố nêu trên mặc dù giao quận huyện làm chủ đầu tư, tuy nhiên toàn bộ thủ tục vẫn được xử lý ở các sở, ngành thành phố và đây là nguyên nhân chính của tình trạng trên.
Các ý kiến đều đánh giá danh mục đầu tư hiện nay đang dàn trải, không tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, dễ làm khó bỏ và chưa quyết tâm, chưa dành công sức đúng tầm của người đứng đầu cho những dự án trọng tâm, trọng điểm.
Các đại biểu thảo luận và chỉ ra những nguyên nhân như do công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh giá nhiều lần, tổng mức đầu tư không chính xác, hiệu quả đầu tư… Về giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, giá đền bù, quỹ nhà tái định cư, giá đấu giá và đền bù chênh lệch nhau lớn, vấn đề tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư… Về giá, do vấn đề lạm phát, công bố suất đầu tư, thông báo giá, tâm lý chờ…
Ngoài ra, do các dự án trọng điểm chậm, trong đó có 4 nhóm chính (các dự án ODA; 39 công trình trọng điểm, dự án đường Vành đai 4, đầu tư 3 lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục). Theo các đại biểu, đây là những nhóm rất quan trọng, tuy nhiên tiến độ đều chậm, ngoài những yếu tố mang tính khách quan là về giải phóng mặt bằng, giá,... thì nguyên nhân chủ quan là do chưa dành đủ sự quan tâm của cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân.
Quang cảnh hội nghị |
Rà soát từng dự án để phân tích tiến độ, khối lượng hoàn thành
Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu và làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ giờ đến cuối năm nay, từ UBND thành phố đến các sở, ngành, các quận, huyện phải tập trung vào công tác trực tiếp rà soát từng dự án để phân tích tiến độ, khối lượng hoàn thành, phiếu giá, thanh toán...
Chủ tịch UBND thành phố cũng mong muốn các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn quan tâm đến vấn đề này, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Liên quan đến triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, nguồn vốn thực hiện di chuyển mộ, thành phố nhất quán sử dụng nguồn vốn từ dự án Vành đai 4; Đề nghị các sở, ngành liên quan thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn địa phương; nếu chưa có vốn thì tạm thời ứng vốn địa phương. Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh, việc này đang “nóng” nếu vừa làm vừa cầm chừng sẽ không thể xong đúng tiến độ.
Về Đề án quản lý tài sản công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, các ý kiến đều thống nhất và đánh giá cao và tầm quan trọng của Đề án, đồng thời đề nghị bổ sung một số nội dung và đề ra một số giải pháp.
Trong đó, việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn thiếu các chính sách pháp luật để quản lý hiệu quả. Các ý kiến đều thống nhất yêu cầu bổ sung báo cáo với Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách; đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý hiệu quả và kịp thời xử lý các vi phạm.