Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại với thanh niên
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số |
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Báo Tuổi trẻ Thủ đô tường thuật trực tuyến từ hội nghị.
Tiết mục văn nghệ chào mừng |
Tham gia chương trình có sự hiện diện của các đồng chí: Trần Sỹ Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Minh Triết, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; Hoàng Quốc Long, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ.
Dự hội nghị tại điểm cầu tại Ủy ban Nhân dân thành phố còn có các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp Thanh niên - Hội Sinh viên - Hội Đồng đội thành phố cùng 150 đoàn viên thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Tại điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã có các đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện cùng 2.000 đoàn viên, thanh niên đại diện cho gần 3 triệu thanh niên Thủ đô Hà Nội.
14h
Mở đầu chương trình Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với thanh niên là các liên khúc viết về tuổi trẻ: Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ; Khát vọng tuổi trẻ; Tình yêu Hà Nội; Hà Nội những công trình và Vươn xa thanh niên.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Đông đảo đoàn viên, thanh niên Thủ đô tham dự buổi đối thoại |
14h30
Đồng chí Trần Đình Cảnh, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu đề dẫn hội nghị đối thoại.
Đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh: Hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng để lãnh đạo thành phố lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, thanh niên. Qua hội nghị, lãnh đạo thành phố cũng gần hơn, hiểu hơn thanh niên, từ đó có những quyết sách tạo điều kiện cho thanh niên Hà Nội phát triển.
Đồng chí Trần Đình Cảnh, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu đề dẫn Hội nghị đối thoại |
Đồng chí Trần Đình Cảnh chỉ rõ: Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố cũng như Nghị quyết của HĐND thành phố đã quyết nghị mục tiêu tổng quát Chương trình phát triển thanh niên thành phố Hà Nội là: Xây dựng thế hệ thanh niên thành phố phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; Có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng Thủ đô Hà Nội và đất nước; Có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; Có sức khỏe và lối sống lành mạnh; Có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; Có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ.
Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô Hà Nội và đất nước, hội nhập quốc tế; Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô Hà Nội và Tổ quốc.
Đồng chí Trần Đình Cảnh chia sẻ với các bạn thanh niên: Khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số là một phần của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa con người, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và toàn xã hội vào kỷ nguyên số hóa và thông minh hơn.
Việc khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, được nhiều thanh niên quan tâm và tham gia. Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, thời gian qua thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách đặc thù, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thanh niên từng bước tham gia vào quá trình khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số.
14h35
Trước khi vào phần đối thoại, các đại biểu đã cùng xem phóng sự về thanh niên Thủ đô trong khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số.
14h40
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh bắt đầu chủ trì chương trình đối thoại.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì chương trình đối thoại |
Tham dự đối thoại cùng Chủ tịch UBND thành phố với thanh niên còn có các đồng chí Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố: Trần Đình Cảnh, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Nội vụ; Chu Hồng Minh, Thành ủy viên - Bí Thư Thành đoàn Hà Nội; Nguyễn Hồng Sơn, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Trần Thế Cương, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Bạch Liên Hương, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương; Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Cùng đối thoại với thanh niên còn có các đại biểu: Nguyễn Việt Hùng, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Anh Dũng - Cục phó Cục Thuế Hà Nội; Phạm Văn Quyết - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách TP Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị đối thoại |
14h45
Bạn Trần Tuấn Dương, Bí thư Đoàn Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mở màn buổi đối thoại với câu hỏi: Sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.
Bạn Trần Tuấn Dương, Bí thư Đoàn Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông |
Hà Nội cũng sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì là vùng có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao, đặc biệt là lao động đến từ khu vực nông thôn.
Lực lượng lao động thanh niên chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao. Vậy thành phố có những chính sách gì trong việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên và đào tạo lại cho lao động phổ thông để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho lực lượng lao động Thủ đô?
Đồng chí Bạch Liên Hương, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội |
Trả lời câu hỏi của bạn Tuấn Dương, đồng chí Bạch Liên Hương, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Lao động, việc làm là vấn đề ở bất kỳ giai đoạn nào đều được mọi người quan tâm, nhất là giới trẻ. Hiện thành phố đang triển khai chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho 6 nhóm đối tượng gồm: Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề dưới 3 tháng cho thanh niên nông thôn, trong đó có hỗ trợ tiền ăn, đi lại; Thứ hai, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho những người thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng; Thứ ba hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thàn nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Thứ tư hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ 5, hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh THPT khi chuyển sang học nghề và thứ 6 hỗ trợ các đối tượng sau thi hành án trở về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng chí Bạch Liên Hương cho biết thêm: Thành phố có kế hoạch căn cơ cho từng năm, dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề đào tạo, tạo việc làm cho thanh niên và thông tin về các đơn vị, trong đó có Thành đoàn Hà Nội dành nhiều tâm huyết, quan tâm đối với vấn đề việc làm cho thanh niên.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh |
Giải đáp thêm thắc mắc của bạn Tuấn Dương, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ: Tôi biết các bạn trẻ hiện nay rất quan tâm đến các vấn đề thực tế: Làm sao cho thanh niên Thủ đô đến tuổi đi làm được đi làm; Làm sao khi thất nghiệp thì có việc làm mới và nhiệm vụ của lãnh đạo Sở, ngành thành phố phải lưu tâm đến việc chuyển hướng tư duy đào tạo ngành nghề có lợi thế, nhà trường chuyển sang đào tạo nhân lực xã hội cần.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, với cương vị là đại biểu Quốc hội, bản thân đồng chí có những đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ.
15h
Bạn trẻ Nguyễn Văn Biển, Bí thư Đoàn xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội đặt câu hỏi |
Bạn trẻ Nguyễn Văn Biển, Bí thư Đoàn xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, tiếp tục đặt câu hỏi: Những năm qua, nguồn vốn ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố đã hỗ trợ rất tốt, kịp thời nhu cầu giải quyết việc làm cho thanh niên. Qua khảo sát, hiện nay nhiều đối tượng thanh niên đang có nhu cầu vay vốn đi học, đi xuất khẩu lao động tuy nhiên theo quy định thì họ phải thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, dẫn đến việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này. Kính đề nghị lãnh đạo Thành phố nghiên cứu ban hành các chính sách mới cho nhu cầu ngày càng tăng này của thanh niên.
Trả lời câu hỏi của bạn trẻ Nguyễn Văn Biển, đồng chí Phạm Văn Quyết, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách thành phố Hà Nội cho biết, nhu cầu vay vốn đi học và vay vốn đi xuất khẩu lao động của thanh niên rất lớn.
Đồng chí Phạm Văn Quyết, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách thành phố Hà Nội |
Đối với hai chương trình này, thành phố cũng đã thực hiện hai cơ chế cho vay, chủ yếu phục vụ các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, hai chương trình này đang giảm dần dư nợ. Chương trình cho vay đi xuất khẩu lao động còn thấp hơn. Ngân hành Chính sách Hà Nội phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan triển khai các chương trình, cơ chế cho vay áp dụng theo đúng quy định từ Trung ương, cho vay đúng đối tượng cần giải quyết việc làm.
Theo Quyết định 26, đối tượng mở, chúng ta vẫn có cách sửa đổi cơ chế cho vay, đề nghị UBND thành phố giao cho các sở để cùng nghiên cứu, rà soát các nhu cầu, đối tượng, có thể mở rộng hơn, có thể là thanh niên thông thường không phải hộ nghèo cũng được tiếp cận; Bổ sung thêm nguồn vốn để có cơ sở triển khai cho vay để người dân, đoàn viên, thanh niên được tiếp cận tốt hơn nữa.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố gợi ý: Chúng ta cần nhận biết rõ hơn nữa về tuổi vị thanh niên và thanh niên. Khi trở thành thanh niên rồi, người trẻ là những cá nhân độc lập tự chủ. Như nhiều quốc gia trên thế giới, khi 18 tuổi là các em không còn phụ thuộc vào kinh tế gia đình vì thế hoàn toàn có thể tự chủ trong vấn đề vay và trả vốn; Phải giao sự tự chủ cho thanh niên sẽ giúp thanh niên năng cao năng lực, danh dự của mình.
“Sự bảo lãnh lớn nhất của thanh niên không phải là cha mẹ, Đoàn Thanh niên hay bất cứ tổ chức nào mà đó là bằng chính bản thân mình”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhắn nhủ |
15h20
Đến từ quận Hoàn Kiếm, bạn Đàm Mỹ Phượng - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Đồng Xuân, đặt câu hỏi: Hiện tôi đang kinh doanh đồ tươi sống, đồ quê sạch. Đây cũng là xu thế mới về việc làm trong thanh niên, sinh viên khi họ trở thành các livestreamer bán hàng trực tuyến.
Bạn Đàm Mỹ Phượng - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm |
Mặc dù phát triển rầm rộ nhưng hoạt động này vẫn đang diễn ra một cách tương đối tự phát và chưa đóng góp trực tiếp vào ngân sách địa phương. Thành phố có những định hướng gì để xu hướng này trở thành một ngành nghề “chính thống” và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ như thành phố có hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, quản lý hoạt động thương mại trực tuyến để gia tăng lượng thuế thu nhập trên các nền tảng số, thu hút đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử…
Trả lời câu hỏi của bạn Đàm Mỹ Phượng, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Kinh doanh bán hàng online là một hình thức kinh doanh thương mại điện tử và được pháp luật Việt Nam công nhận. Hiện nay, ngành kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rất tốt, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ vào doanh thu dịch vụ của Hà Nội. Chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan |
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan gửi lời khuyên tới các thanh niên: Khi kinh doanh thương mại điện tử, các bạn phải chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước. Muốn kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, trước hết, các bạn phải được cấp phép theo Nghị định 72 của Chính phủ về thông tin truyền thông, sau đó phải đăng kí website bán hàng và đăng kí kê khai thuế theo quy định của pháp luật.
“Hà Nội hiện đang có nhiêu chương trình hỗ trợ trong kinh doanh thương mại điện tử. Đơn cử, Sở Công thương thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, các sự kiện kết nối giao thương hàng hóa giữa doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các chương trình giao thương sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn livetream, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế”, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin thêm.
Đồng chí Nguyễn Anh Dũng - Cục Phó cục Thuế Hà Nội |
Với câu hỏi về bán hàng điện tử, các bạn thanh niên được đồng chí Nguyễn Anh Dũng - Cục Phó Cục Thuế Hà Nội chia sẻ: Liên quan đến công tác thu ngân sách, thời gian qua, UBND thành phố giao cho Cục thuế chủ trì liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử.
Cục thuế luôn chú trọng tuyên truyền người thuế biết tự nguyện nộp thuế vào ngân sách Nhà nước; Phối hợp với các cơ quan liên quan để thu thập thông tin người nộp thuế, có định hướng khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu. Trong đó, đóng góp của các cá nhân 3 đầu năm 2023 là 215 tỷ.
Với lĩnh vực này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh gửi gắm: Khuyến khích các bạn trẻ kinh doanh tuy nhiên các bạn luôn nhớ kinh doanh phải đúng pháp luật. Vì mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không kể bạn là ai.
Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn làm thế nào để Đoàn Thanh niên mỗi địa phương, mỗi cơ sở phát động phong trào thanh niên, Bí thư Đoàn tham gia bán được sản phẩm OCOP của địa bàn mình.
15h30
Đồng chí Hứa Thanh Hoa - Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi: Tầm nhìn và phương hướng phát triển của thành phố hướng đến chính quyền số thì nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó nguồn nhân lực trẻ (các thủ khoa, bạn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, thầy thuốc trẻ, tri thức trẻ…) chính là một trong những nhân tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều văn bản và các chính sách để thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.
Từ thực tiễn với chương trình Tuyên dương Thủ khoa, sau 20 năm thành phố đã tuyên dương 2.067 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện tuy nhiên số lượng thủ khoa công tác tại các cơ quan thành phố là khá khiêm tốn. Kính mong đồng chí Chủ tịch UBND TP cùng các đồng chí lãnh đạo chia sẻ các định hướng của thành phố thời gian tới trong việc quan tâm hơn nữa đến cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các đối tượng này?
Đồng chí Hứa Thanh Hoa - Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội |
15h35
Đồng chí Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội trả lời: Trong mỗi giai đoạn phát triển, thành phố luôn quan tâm đến việc phát triển nhân lực. Nghị quyết Đại hội XVII đã xác định, việc phát triển nguồn nhân lực trẻ là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Cùng với việc tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trong hơn 20 năm qua, thành phố cũng thường xuyên có những chính sách để tuyển dụng và sử dụng công chức.
Về phía cơ quan chuyên môn, Sở Nội vụ sẵn sàng tiếp nhận các thủ khoa với nhiều vị trí việc làm tại các cơ quan Nhà nước. Thành phố cũng có những chính sách riêng hỗ trợ về lương đặc thù. Sau 2 năm về công tác tại cơ quan, ban ngành, đoàn thể, người lao động sẽ được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ và được hỗ trợ 100% kinh phí.
Đồng chí Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội |
So với các khu vực khác, nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp đại học về làm việc khu vực công chưa nhiều. Mặc dù vậy, các thủ khoa, sinh viên xuất sắc không chỉ công tác tại cơ quan Nhà nước mà làm việc tại bất kỳ doanh nghiệp, ngành nghề hay lĩnh vực nào đều trực tiếp đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Thực tế thấy rằng nhiều bạn trẻ khi tốt nghiệp được tiếp nhận vào các cơ quan Nhà nước đều có sự phát triển nhanh chóng, đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị.
Với vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh nhấn mạnh: “Đoàn viên, thanh niên nói chung và các thủ khoa, sinh viên xuất sắc nói riêng sau khi tốt nghiệp, dù lựa chọn làm việc ở bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào đều đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của thành phố, đất nước. Vào mỗi thời điểm đóng góp đó sẽ phát huy những hiệu quả riêng, trở thành động lực để xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh”.
15h45
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp công nghệ CNC Tech gửi tới hội nghị câu hỏi: Hiện nay, hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa thực sự rõ ràng.
Ở các nước như Israel hay Singapore, Nhà nước góp phần thành lập Quỹ đầu tư phát triển này để dẫn dắt các doanh nghiệp và chịu rủi ro cùng với khối doanh nghiệp tư nhân và đồng hành với một số quỹ đầu tư quốc tế. Đề nghị thành phố sớm nghiên cứu cơ chế để Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi số của Thủ đô hoặc thành lập quỹ phù hợp với các hành lang pháp lý hiện hành để Thủ đô thực sự trở thành điểm đến có sức hút đối với các doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp công nghệ CNC Tech |
15h50
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thông tin tới các bạn thanh niên: Hiện nay hoạt động của Quỹ phát triển khoa học công nghệ còn một số khó khăn vướng mắc do chưa đủ cơ sở pháp lý cho vay đối với các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Vì theo quy định hiện nay thì quỹ phải bảo toàn vốn mà cho vay đầu tư khởi nghiệp thì có rủi ro.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ |
Để tháo gỡ vướng mắc này, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, hiện nay UBND thành phố đang dự thảo Luật Thủ đô xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các Bộ, ngành để chuẩn bị trình Quốc hội; Trong đó có nội dung chính sách huy động liên quan đến huy động sử dụng phát lực tiềm lực đổi mới sáng tạo chuyển đổi số. Nếu được thông qua thì sẽ tháo gỡ được nội dung vướng mắc này, thực hiện thử nghiệm đầu tư mạo hiểm có kiểm soát và huy đạo các nguồn vốn khác để ươm tạo doanh nghiệp, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực ưu tiên của thành phố…
15h55
Anh Tạ Đình Hòa, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Tài chính đặt câu hỏi: Các trường đại học, học viện được xác định là nguồn động lực của kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta chưa hình thành một cách đồng bộ và kết nối được mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp để tạo môi trường cho sinh viên, thanh niên tham gia.
Anh Tạ Đình Hòa, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Tài chính |
Hiện nay ở Hà Nội, với sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, một số trường đã manh nha mô hình, không gian hỗ trợ sinh viên đổi mới sáng tạo chuyển đổi số, trong thời gian tới có 16 trường sẽ thành lập không gian này và hoàn toàn do thanh niên, sinh viên quản lý, vận hành, hướng tới thành lập các vườn ươm trong trường đại học, học viện.
Đề án 01 thực hiện Chương trình 07 của Thành ủy và Quyết định 4889 của UBND thành phố Hà Nội cũng đã nêu các hạng mục hỗ trợ không gian khởi nghiệp và các startups vận hành trong các không gian đó, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể để nguồn lực này đến được với các trường học và các startups công nghệ. Trân trọng đề nghị lãnh đạo UBND tăng cường chỉ đạo để chủ trương này đi vào cuộc sống.
Trả lời câu hỏi của bạn trẻ, đồng chí Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố. Thành phố hỗ trợ tất cả các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp cả tư nhân và các trường đại học. Trong đó, thành phố hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/cơ sở.
Đồng chí Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội |
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện thành phố Hà Nội có 119 trường đại học, học viện, cao đẳng nhưng mới chỉ có 20 cơ sở ươm tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn khuyến khích các trường tạo ra sân chơi để hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, sáng tạo. Vì vậy, các bạn có nhu cầu, đủ kiều kiện thành lập vườn ươm, có thể liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hỗ trợ các thủ tục, góp phần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Muốn khởi nghiệp sáng tạo phải bắt đầu từ trường các trường đại học chung sức cùng thành phố. Trong đó, Thành đoàn có một số không gian sáng tạo để thanh niên Thủ đô có nơi giao lưu khởi nghiệp sáng tạo. Quan trọng là các trường đại học, vườn ươm kết nối với nhau để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp.
16h05
Anh Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Mạng lưới CLB Khởi nghiệp Hà Nội HUB NETWORK đặt câu hỏi: Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong lĩnh vực khởi nghiệp, các nhà đầu tư rất quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, với nguồn lực hạn chế, việc phải quan tâm và thử nghiệm trong nhiều khâu khiến trí thức trẻ bị “hụt hơi”...
Anh Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Mạng lưới CLB Khởi nghiệp Hà Nội HUB NETWORK |
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trả lời: Để thúc đẩy khởi nghiệp cần có sự tham gia phối hợp liên tục của nhiều đơn vị. Trong đó, thành phố đóng vai trò tạo môi trường cho doanh nghiệp gặp gỡ chuyên gia, khách hàng.
Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách chủ động để hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp như: Chính sách trung gian; Xây dựng sàn giao dịch thành phố để kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp khách hàng; Xây dựng vườn ươm sáng tạo để doanh nghiệp có nơi thử nghiệm sản phẩm, có thêm không gian để các start-up, doanh nghiệp cùng trao đổi, phát triển sản phẩm.
Sau khi thử nghiệm sản phẩm thành công, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, start-up 30% kinh phí và chuyển giao trực tiếp cho các đơn vị quản lý.
16h10
Nhóm vấn đề 3 về cải cách hành chính được bạn Hoàng Minh Hằng, Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì đặt câu hỏi: Cải cách hành chính đang được các cấp chính quyền quan tâm, chuyển đổi số nhanh, đem lại nhiều lợi ích trong việc sử dụng các dịch vụ công của Nhân dân. Chính phủ và chính quyền các cấp đang đầu tư mạnh mẽ vào Đề án 06 để hệ thống, mã hóa, bảo mật tối đa các thủ tục hành chính trực tuyến cũng như quản lý hồ sơ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức được hiệu quả.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, cần tích hợp các ứng dụng thủ tục hành chính, quản lý dữ liệu dân cư và đảng viên về chung một ứng dụng (app) để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, triển khai của các cấp chính quyền và bảo mật thông tin từ đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận, xử lý thủ tục hành chính số. Kính đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND thành phố và các sở có liên quan nghiên cứu tích hợp các ứng dụng (app) hiện hành và có kế hoạch triển khai vào một ứng dụng chung.
Bạn Hoàng Minh Hằng, Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì |
Bên cạnh đó, theo các đồng chí, các cấp chính quyền cần cung cấp gì cho người trẻ, cho đoàn viên, thanh niên Thủ đô để có "vắc xin" bảo vệ mình trong công cuộc đất nước chuyển mình số hoá mạnh mẽ, thực hiện cách mạng 4.0?
16h20
Giải đáp thắc mắc của bạn Hoàng Minh Hằng, đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hiện chúng ta đang có 3 ứng dụng về thủ tục hành chính, quản lý dữ liệu dân cư và sổ tay đảng viên điện tử. Trong đó, dữ liệu dân cư quốc gia rất quan trọng, được khai thác để thay thế cho các giấy tờ khác như sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe…
Ban Tổ chức Thành ủy đã xây dựng thành công ứng dụng sổ tay đảng viên điện tử. Theo quy luật tiến hóa những ứng dụng này sẽ quy về một mối và thời gian tới sẽ có một “super app” như bạn mong muốn.
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông |
Đối với trang bị cho thanh niên loại "vắc xin" chống thông tin xấu độc, theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, hiện Trung ương và thành phố ban hành rất nhiều văn bản nhằm bảo vệ trẻ em, thanh niên trên không gian mạng. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Ngoài những văn bản này, thanh niên nên trang bị cho mình kiến thức để chung sống trên không gian mạng một cách tích cực. Hiện trên không gian mạng có rất nhiều thông tin, vì vậy, các bạn cần chuẩn bị kiến thức để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
16h25
Bàn về ý kiến của bạn Hoàng Minh Hằng, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, hiện thành phố có gần 2.000 văn bản hành chính. Với số lượng văn bản lớn, thành phố sẽ xây dựng “đại siêu thị” để công dân đến giao dịch, trong đó có các gian hàng lõi, mong các bạn thanh niên tiếp cận, tham góp ý kiến thêm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Đoàn viên, thanh niên phải tự tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ để chống lại những thông tin xấu độc |
“Bên cạnh đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị đạo đức con người tạo sự an toàn của mọi người trên mạng, thanh niên phải là lượng xung phong thực hiện tốt việc này. Về lĩnh vực thông tin xấu độc, thanh niên phải tự tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ để chống lại nó”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
16h30
Đồng chí Phạm Minh Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội chia sẻ, ngày 12/10/2022, UBND thành phố đã có Quyết định số 3821/QĐ-UBND phê duyệt đề án mã hóa dữ liệu “Địa chỉ đỏ” trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên.
Đồng chí Phạm Minh Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội |
Thành đoàn Hà Nội đề xuất phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ngành liên quan để đưa hệ thống dữ liệu số này vào các bài giảng môn lịch sử trong trường học, qua đó góp phần đổi mới phương thức giảng dạy và áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục lịch sử đối với học sinh Thủ đô...
Trao đổi nội dung này, đồng chí Trần Thế Cương, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đầu tháng 6, chúng ta có 116 nghìn học sinh thi vào lớp 10. Trong ngày hôm qua và hôm nay có khoảng 110 nghìn học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau ngày hôm nay, các em sẽ tự định đoạt tương lai của mình, có thể vào đại học, có thể đi làm, đi du học… Đến thời điểm này ngành Giáo dục Thủ đô về cơ bản hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với việc mã hoá “Địa chỉ đỏ” chuyển đổi số cho công tác giáo dục truyền thống lịch sử của Thủ đô, đây là nội dung mà Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố và ngành Giáo dục rất quan tâm vì “Dân ta phải biết sử ta”.
Đồng chí Trần Thế Cương, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
Trong thời gian vừa qua, thực hiện Luật Giáo dục phổ thông, đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, liên quan đến giáo dục địa phương ở tất cả các tỉnh thành, trong đó có Thủ đô Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của thành phố, ngành Giáo dục đã xây dựng được những cuốn sách liên quan đến giáo dục truyền thống, trong đó có tài liệu giáo dục dành cho lớp 1, 2, 6. Ngay thời gian vừa rồi, thành phố đã thông qua sách dành cho lớp 3, lớp 7, 10...
Hà Nội đậm đặc về di tích với 5.922 di tích, trong đó có hơn 2.384 nghìn di tích được xếp hạng… Việc mã hóa di tích rất có lợi cho học sinh bởi có thể ngồi ở nhà vẫn biết, hiểu được nhiều “Địa chỉ đỏ” có ý nghĩa như thế nào. Thành ủy, UBND ban đang giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện đề án mã hóa QR các địa chỉ đỏ. Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp của lực lượng đoàn viên, thanh niên cùng góp phần vào giáo dục truyền thống cho các em học sinh…
Tiếp tục cập nhật...