Chủ động tấn công trong phòng ngừa Covid-19: Bắt đầu từ sàng lọc, thay đổi thói quen
Ngày 5/5, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”.
Vậy việc chuyển trạng thái phòng dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công đối với người dân và các cơ quan công sở trong thực tế sẽ như thế nào?
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM chia sẻ: "Việc chuyển từ phòng ngự sang chủ động động tấn công có lẽ là việc mỗi cơ quan, mỗi địa phương chủ động tìm yếu tố nguy cơ của nhân viên (đi đâu về đâu) chứ không chờ nơi khác báo.
Bệnh viện nên có kế hoạch tầm soát sàng lọc về lâm sàng |
Mỗi bệnh viện nên có kế hoạch tầm soát sàng lọc về lâm sàng và nhất là xét nghiệm cho bệnh nhân và nhân viên chứ không chờ dấu hiệu lâm sàng và dịch tễ rõ. Phân vùng an toàn, không cho bên ngoài tấn công vào khu khám bệnh , không cho tấn công vào khu nội trú, không cho tấn công vào khu bệnh mạn tính, khu hồi sức bệnh nặng.
Mỗi người dân không nên nghĩ xóm mình là không có nguy cơ, nơi mình làm việc không có nguy cơ, nơi mình sắp đến không có nguy cơ, phải tuân thủ 5K nhất là khẩu trang và khoảng cách
Nếu thực hiện tốt không dễ gì bị bệnh tấn công, chỉ có lơ là chủ quan mới thành F0,F1".
Làn sóng Covid-19 thứ 4 ở Việt Nam bắt đầu từ ca nhiễm ở Hà Nam đã cách ly đủ 14 ngày. Sau đó là các trường hợp dương tính với nCoV ở Vĩnh Phúc. Làn sóng dịch bệnh trở nên dữ dội và nguy hiểm hơn khi một loạt bệnh viện lớn có người lây nhiễm Covid-19 như bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh viện K trung ương, bệnh viện quân y 105, bệnh viện MEDLATEC...
Cùng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các khuyến cáo của ngành y tế thì sau gần 2 năm, các cơ quan, doanh nghiệp cũng đã phần nào quen ứng phó với Covid-19 và đã chủ động hơn trong việc tìm và hạn chế các yếu tố nguy cơ.
Trong làn sóng Covid-19 thứ 4, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã chủ động sàng lọc, đề nghị 1 nửa phóng viên, biên tập viên làm việc online, thực hiện cơ chế báo cáo ra vào vùng dịch hay các yếu tố dịch tễ liên quan để đảm bảo an toàn cho tòa soạn.
Tập đoàn TH và nhiều doanh nghiệp khác kích hoạt chế độ làm việc luân phiên, giảm mật độ tiếp xúc. Các công tác phòng dịch khác cũng được đôn đốc và yêu cầu nhân viên thực hiện nghiêm túc 5K. Những nhân viên đã rời khỏi địa bàn cư trú trong kỳ nghỉ lễ được yêu cầu báo lại với quản lý bộ phận/ phòng ban để trưởng bộ phận nắm được lịch trình và có phương án xử lý kịp thời trong trường hợp tiềm ẩn nguy cơ.
Các trường đại học thậm chí còn kích hoạt chế độ học trực tuyến ngay khi làn sóng Covid-19 thứ tư chưa tràn đến mà mới chỉ có những cảnh báo từ Ấn Độ.
Trên mạng xã hội, hàng loạt thông điệp đồng lòng, chung tay phòng chống dịch được hưởng ứng nồng nhiệt.
Rõ ràng người Việt đã có ý thức chống dịch và đủ khả năng chuyển từ "phòng ngự" sang "tấn công" như lời Thủ tướng.
Bãi biển Vũng Tàu đông khách dịp 30/4/2021 dù trước đó có nhiều cảnh báo về nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ 4 |
Thế nhưng như BS Trương Hữu Khanh "chỉ có lơ là chủ quan mới thành F0, F1". Làn sóng Covid-19 thứ 4 tràn tới Việt Nam ngoài những nguyên nhân khách quan, vẫn còn có nguyên nhân đến từ sự chủ quan, lơ là.
Giữa lúc các tỉnh thành cấm hò hát karaoke giữa dịch bệnh vẫn có những quán karaoke mở cửa cho nam thanh nữ tú vào hát. Công viên Hà Nội vẫn đông người tập dù thành phố đề nghị người dân ở nhà, hạn chế ra đường phòng dịch. Bệnh viện vẫn phải phạt người nhà bệnh nhân vì không đeo khẩu trang...
Người dân chui rào tập thể dục bất chấp lệnh cấm của TP Hà Nội. Ảnh: zing |
Bên cạnh đó, còn phải kể đến rất nhiều những thực hành sai của người dân trong việc phòng chống Covid-19. Chẳng hạn như việc đeo khẩu trang. Hiện tại có nhiều người dùng khẩu trang tiết kiệm, một khẩu trang có khi dùng đến mấy ngày thì vô tình tự mình làm hại mình; Hoặc họ đeo khẩu trang dưới mũi, kéo khẩu trang xuống cho dễ thở.
Dù được tuyên truyền là Covid-19 lây qua tiếp xúc gần, qua các giọt bắn, qua các vật dụng truyền tay... nhưng nhiều người vẫn vô tư cho nhau mượn khẩu trang, hút chung điếu thuốc lào, cho mượn điện thoại.
Trong những bữa ăn tập thể vẫn dùng chung bát đũa, nhờ người khác xới cơm hộ, chấm chung bát nước chấm, gắp thức ăn cho nhau... Trong cuộc nhậu thì mỗi một lần chúc tụng là một lần bắt tay.
Những thói quen, những tập quán xưa cũ không phù hợp trong thời sống chung với dịch bệnh Covid-19. Bởi vậy, các chuyên gia đề nghị, người dân tự nhận thức được các yếu tố nguy cơ trong thói quen ăn uống, giao tiếp hàng ngày và thay đổi chúng để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Khi vắc xin chưa thể ngay lập tức đủ tiêm hết cho 90 triệu người dân Việt Nam thì việc chủ động tìm yếu tố nguy cơ, thực hiện 5K sẽ giúp mỗi người an toàn hơn trước Covid-19.