Chọn lọc loại hình dịch vụ, nâng giá trị Hồ Tây
Đó là khẳng định của lãnh đạo quận Tây Hồ sau khi UBND TP Hà Nội ban hành quy định quản lý và khai thác Hồ Tây, trong đó quy định 10 loại hình dịch vụ được hoạt động tại khu vực này.
Lợi thế Hồ Tây
Với gần 530ha mặt nước, Hồ Tây là thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến với Hà Nội.
Bên cạnh đó, vùng phụ cận Hồ Tây được bồi đắp bởi bề dày trầm tích văn hóa phong phú với 71 di tích, trong đó có 41 di tích đã được xếp hạng và trở thành điểm đến nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc; các làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh…
Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Hồ Tây còn nhiều hạn chế, chưa thu hút đông đảo khách du lịch và mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong khu vực…
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận theo hướng phát triển của Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại” đã xác lập được không gian để phát triển Hồ Tây và vùng phụ cận, quy chế, quy định để quản lý Hồ Tây như: nạo vét bảo vệ các loài thủy sinh, hệ thống bản đồ không gian chức năng. Quy hoạch bám sát quy hoạch phân khu khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 để triển khai thực hiện, mang tính định hướng, là kim chỉ nam cho công tác quản lý, bảo tồn, khai thác giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận đạt hiệu quả cao, bền vững. |
Do đó, việc UBND TP Hà Nội ban hành quy định quản lý và khai thác Hồ Tây, trong đó có 10 loại hình dịch vụ được hoạt động tại Hồ Tây… đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của đông đảo người dân cũng như những người làm công tác quy hoạch.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích, giá trị của Hồ Tây không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn có yếu tố văn hóa, tâm linh; là nơi mang đậm dấu ấn đặc thù riêng của Hà Nội. Những giá trị này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước… Do đó, việc Hà Nội cho phép phát triển các loại hình dịch vụ sẽ góp phần quan trọng trong việc phát huy giá trị của Hồ Tây, tạo thêm điểm nhấn, thu hút người dân, du khách đến với Hồ Tây nói riêng và Thủ đô nói chung.
Là một trong những người sinh ra và lớn lên chứng kiến sự thay đổi của Hồ Tây qua các thời kỳ, ông Hoàng Xuân Tùng (phường Bưởi, quận Tây Hồ) chia sẻ, Hồ Tây là viên ngọc quý, là báu vật của quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, công tác quản lý hồ vẫn chỉ dừng ở mức bảo tồn. Việc phát huy giá trị của Hồ Tây vẫn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên ưu đãi.
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, 10 loại hình dịch vụ được hoạt động tại Hồ Tây bao gồm: kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy: thuyền, ca nô, mô tô nước, xe đạp nước… (không lưu trú qua đêm); kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; kinh doanh sân tập golf trên mặt nước; hoạt động bơi thuyền, ca nô, xe đạp nước, lướt ván, ván buồm; tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống, các giải đua thuyền; hoạt động bơi, lặn; xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh Hồ Tây; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn. Trước mắt dự kiến sân tập golf trên mặt nước sẽ loại hình đầu tiên được cấp phép hoạt động trên Hồ Tây.
Di chuyển bằng thuyền ngắm cảnh Hồ Tây (ảnh Nguyễn Hữu Thanh Hải) |
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, kiêm Trưởng ban Quản lý Hồ Tây Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ, trong thời gian từ năm 2010 - 2022, tăng trưởng kinh tế của quận Tây Hồ vẫn thiếu ổn định. Các hoạt động kinh tế trên địa bàn quận vẫn mang tính thời vụ và dựa nhiều vào yếu tố bên ngoài (điều kiện tự nhiên, thời tiết).
Các hoạt động dịch vụ, du lịch dựa vào khai thác cảnh quan nhiều hơn là khai thác các giá trị văn hóa và dựa vào khoa học, công nghệ.
Do đó, việc TP Hà Nội cho phép 10 loại hình văn hóa, thể thao, dịch vụ được phép hoạt động xung quanh Hồ Tây sẽ là luồng gió mới cho sự phát triển của Hồ Tây - khu vực chưa được khai thác hiệu quả đúng với lợi thế.
Khát vọng xây dựng Hồ Tây
Đáng chú ý, sau một thời gian dài được quản lý bởi 8 sở, ngành, từ nay, Hồ Tây chính thức được giao cho Ban Quản lý Hồ Tây (trực thuộc UBND quận Tây Hồ) quản lý. Đây là tiền đề để quận Tây Hồ khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây, nhất là trong phát triển du lịch, dịch vụ.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết thêm, theo chỉ đạo của TP, quận đang xây dựng đề án tổng thể về quy hoạch, quản lý và phát huy giá trị của Hồ Tây. Dự kiến cuối quý II/2024, quận Tây Hồ sẽ báo cáo Ban Cán sự Đảng TP, Thường trực Thành ủy để quyết định những nội dung lớn sẽ triển khai tại Hồ Tây.
Đặc biệt, hiện nay, môi trường là vấn đề cấp thiết được TP hết sức quan tâm. Do đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, quận Tây Hồ, Ban Quản lý Hồ Tây đang thực hiện việc khảo sát, đánh giá các yếu tố về môi trường cũng như việc xả thải ra Hồ Tây.
“Trước mắt, UBND quận Tây Hồ rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống thoát nước xung quanh Hồ Tây, phấn đấu trong năm 2024 cơ bản đấu nối hệ thống thoát nước thải vào hệ thống thoát nước chung của TP để đưa về nhà máy xử lý nước thải theo quy định, ngăn chặn tình trạng xả thải trực tiếp xuống Hồ Tây”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh nói.
Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy với Quận ủy Tây Hồ về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020 - 2023, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tiếp theo vào tháng 1/2024, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, cùng với quận Hoàn Kiếm thì Tây Hồ có tiềm năng về phát triển văn hóa, lịch sử và du lịch rất lớn.
Thời gian qua, quận đã nhận diện và bước đầu cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Rồng Hồ Tây (ảnh Nguyễn Hữu Thanh Hải) |
Theo đó, quận đã cùng với TP tập trung khơi thông nguồn lực, coi văn hóa là nguồn lực phát triển mới của Thủ đô và thể hiện sự phát triển bền vững của quận.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị, quận phải giữ gìn và khơi thông được giá trị Hồ Tây và khu vực xung quanh Hồ Tây, coi đây là nguồn lực để phát triển bền vững của quận. "Để quản lý và khai thác tốt tiềm năng của Hồ Tây, quận phải xây dựng Đề án tổng thể, đồng bộ với sự tham gia của các sở, ngành để chung tay giải quyết các vấn đề về môi trường, hạ tầng, cảnh quan", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, thực hiện kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội, với khát vọng xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của Thủ đô và khát vọng xây dựng Hồ Tây thực sự trở thành báu vật, viên ngọc quý của Thủ đô…, quận Tây Hồ đang phối hợp với các sở, ngành xây dựng đề án quy hoạch, quản lý, phát triển Hồ Tây. Kỳ vọng rằng, khi được thông qua, quận Tây Hồ sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng và phát triển Hồ Tây trở thành trung tâm văn hóa của Thủ đô.
Trao đổi với Phó Trưởng Ban Thường trực ban Quản lý Hồ Tây Nguyễn Hưng Quốc được biết, UBND quận Tây Hồ đang khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện Đề án “Quy hoạch, quản lý bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận”; các dự án bổ sung thu gom nước thải, chiếu sáng đường dạo, bổ sung lan can kè Hồ Tây… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của Hồ Tây.