Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB
Ngân hàng NCB thông qua việc nâng gấp đôi vốn điều lệ Ngân hàng vẫn “tắc” phát hành trái phiếu dù Nghị định 08 đã ra đời Cuộc thi "Nhà Ngân hàng tương lai 2023" đã tìm được quán quân |
Đây là nội dung được nêu ra trong Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo kết luận của Bộ Chính trị; khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại SCB theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng.
Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác; điều hành tỷ giá phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank) triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng. |
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, tăng cường minh bạch, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước hiện đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trên cơ sở đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát việc các tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN.
Đồng thời, tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó giao Ngân hàng Nhà nước rà soát các quy định liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ.
Bên cạnh đó, qua kết quả thanh tra, giám sát hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng cho thấy phát sinh tiềm ẩn rủi ro đối với một số mục đích phát hành trái phiếu, việc giám sát sử dụng tiền thu từ trái phiếu của doanh nghiệp phát hành đúng mục đích tại phương án phát hành...
Cụ thể, hiện chưa có quy định điều kiện phát hành trái phiếu về năng lực tài chính, cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của các khoản phát hành trái phiếu chưa chặt chẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông qua việc phát hành nhằm mục đích đặt cọc, góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh, bổ sung vốn lưu động...
Mặt khác, một số doanh nghiệp phát hành và các doanh nghiệp liên quan thực hiện tăng vốn lớn trong thời gian ngắn để chứng minh năng lực tài chính.
Cùng với đó, tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất thuê trả tiền hàng năm chưa đủ điều kiện để nhận làm tài sản bảo đảm, hợp đồng thế chấp chưa công chứng và chưa thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm lớn nhưng thực tế chất lượng tài sản bảo đảm không cao. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng thu hồi nợ của ngân hàng khi doanh nghiệp phát hành mất khả năng thanh toán.
Do đó, theo Ngân hàng Nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN là cần thiết và cần được sớm ban hành nhằm phù hợp với tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng, góp phần kiểm soát chặt chẽ rủi ro, tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng.