Chính phủ báo cáo Quốc hội: Có doanh nghiệp phải "bán mình" vì khó khăn dòng tiền

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lại "kêu cứu" Chính phủ Tỷ lệ chậm trả trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai kế hoạch năm 2023.

Nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp 5, dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 sắp tới.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong bối cảnh thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, song kinh tế vĩ mô vẫn được giữ vững, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động giảm lãi suất điều hành để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỉ giá.

Cùng đó, nền kinh tế ước xuất siêu 6,35 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng. Bảo đảm nguồn cung xăng dầu, điện, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ 2022, thấp hơn kịch bản. Một số địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp. Các động lực quan trọng của tăng trưởng về sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, khu vực FDI gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ báo cáo Quốc hội: Có doanh nghiệp phải
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2023.

Theo Chính phủ, doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi đối mặt với chi phí lãi vay cao, việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường vốn khó khăn. Điều này đã và đang làm gia tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động, sản xuất.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 4 tháng đầu năm giảm 2% so với cùng kỳ (gần 78,9 nghìn doanh nghiệp), trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77 nghìn doanh nghiệp). Chính phủ nhận định, tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới.

Mặt khác, áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản trong những tháng đầu năm, cả năm và năm 2024 rất lớn.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 284 nghìn tỷ đồng (doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 40%), năm 2024 khoảng 363 nghìn tỷ đồng (doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 30%).

Đặc biệt, Chính phủ cho biết đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý I/2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Trong các giải pháp từ nay đến cuối năm, Chính phủ nhấn mạnh việc sẽ điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đồng thời sẽ tiếp tục xem xét hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết...

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.

Cùng đó, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.

Hậu Lộc
Phiên bản di động