Chiến dịch tổng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vàng trên cả nước

Những ngày gần đây, lực lượng Quản lý thị trường trên khắp cả nước đã bắt đầu chiến dịch tổng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vàng, qua đó đã phát hiện nhiều vi phạm.
Đồng loạt kiểm tra đột xuất 3 cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội Kiểm tra tiệm vàng lớn ở An Giang, phát hiện vàng nghi giả thương hiệu lớn

Theo đó, ngày 4/4, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) đã đồng loạt tiến hành kiểm tra 3 điểm kinh doanh vàng bạc trên địa bàn TP Hà Nội.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận tại mỗi cửa hàng đều trưng bày để bán hàng nghìn các sản phẩm trang sức kim loại vàng, kim loại bạc, đá các loại. Trong đó, một số sản phẩm nữ trang kim loại là vòng cổ, vòng tay, nhẫn, bông tai có gắn tên một số nhãn hiệu nổi tiếng như: Chanel, Hermes, LV…

Hiện, các tổ công tác của Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đang tiếp tục làm việc để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa bày bán tại 3 cơ sở kinh doanh. Dự kiến, chương trình làm việc của các tổ công tác sẽ kéo dài từ 2-3 ngày.

Chiến dịch tổng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vàng trên cả nước
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội.

Cùng ngày, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra đột xuất cửa hàng vàng, trang sức K.L-M.C thuộc Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Kim Liên - MC (địa chỉ tại số 20, đường Hùng Vương, phường Hoà Lạc, TP Móng Cái), qua đó phát hiện 8 mặt dây chuyền vàng mang nhãn hiệu Chanel có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Sau 2 tháng triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, xử lý 13 cơ sở kinh doanh vàng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 311 triệu đồng.

Cũng trong ngày 4/4, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã đột xuất kiểm tra 4 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn huyện Châu Thành, TP Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công.

Chiến dịch tổng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vàng trên cả nước
Các sản phẩm vàng trang sức tại Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Kim Hương Dinh, tỉnh An Giang.

Tại thời điểm kiểm tra, cả 4 cơ sở đang kinh doanh mặt hàng vàng trang sức các loại có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong đó, có 2 doanh nghiệp sản xuất 30 chiếc nhẫn trơn loại 14K (độ tinh khiết 600), 52 bộ ximen không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định.

Còn lại 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức gồm 12 chiếc cham đầu rồng, hàm lượng vàng 600 (tổng khối lượng 60 chỉ) và 10 chiếc dây chuyền, hàm lượng vàng 980 (tổng khối lượng 20 chỉ) có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa (không ghi tên hàng hóa); 12 cham hình con Tỳ Hưu, hàm lượng vàng 610 (tổng khối lượng 5,2 chỉ) không có nhãn hàng hóa.

Căn cứ giá niêm yết, tổng giá trị tang vật vi phạm được xác định gần 1,5 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra đã xác lập biên bản kiểm tra đối với 4 doanh nghiệp nêu trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tại Đồng Tháp, ngày 3/4, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ trên địa bàn TP Cao Lãnh.

Chiến dịch tổng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vàng trên cả nước
Sản phẩm vàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3 doanh nghiệp nêu trên kinh doanh sản phẩm trang sức gồm lắc tay, vòng tay, bông tai, nhẫn, mặt dây chuyền đều là kim loại màu vàng, kim loại màu trắng có gắn các yếu tố có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Còn tại An Giang, ngày 2/4, lực lượng Quản lý thị trường đã bất ngờ có mặt tại tiệm vàng Kim Hương Dinh (địa chỉ tại số 39 Nguyễn Huệ, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên). Được biết, đây là cửa hàng kinh doanh vàng bạc, bạch kim lớn trên địa bàn TP Long Xuyên.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp này kinh doanh các sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Cartier, LV, Bulgari… dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền.

Hiện lực lượng Quản lý thị trường đang tiếp tục làm việc với đại diện doanh nghiệp, đối chiếu các hoá đơn, chứng từ liên quan đến hàng hoá mà cơ sở cung cấp để xác định nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm.

Trước đó, ngày 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 22/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng; Chính phủ đã có Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5/2/2024 chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước theo dõi diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật

Hậu Lộc
Phiên bản di động