‘Chìa khóa vàng’ đưa nông dân vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp
Lào Cai: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dự kiến hơn 500 tỷ đồng Hà Nội cần nỗ lực hơn trong phát triển công nghệ cao và bảo vệ môi trường |
Nhận định này được đưa ra trong Đại hội Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE) nhiệm kỳ II (2019-2024).
Bà Thái Hương - Nhà sáng lập tập đoàn TH, đơn vị thành viên của ATE giới thiệu về mô hình công nghệ cao và sáng kiến đồng hành đưa nông dân vào chuỗi sản xuất của mình |
Trước đây, tại Hội nghị Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là việc làm bức thiết, nhằm từng bước đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Thủ tướng yêu cầu đảm bảo mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô tính chất nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Đầu năm năm 2017, Chính phủ cũng đã quyết định gói tín dụng ưu đãi lãi suất lên tới 100 nghìn tỷ để hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch.Kết quả triển khai chương trình theo ghi nhận ban đầu của Ngân hàng nhà nước, đến tháng 5/2017, là gần 33.000 tỷ đồng với trên 4.000 khách hàng. Cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hơn 27.700 tỷ đồng.
Cần sớm chuyển 3,5 triệu hộ cá thể ở nông thôn đi cùng với các doanh nghiệp để nông nghiệp Việt Nam phát triển theo quy mô lớn |
Mặc dù vậy, chương trình cho vay này đang có một số vướng mắc, trong đó nổi bật là thiếu những nhà đầu tư đủ Tâm - Trí - Lực để triển khai thành công các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, trong khi thành tựu nông nghiệp Việt Nam những năm qua dựa vào hộ nông dân là chủ lực.
Hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ “phát triển mà không để bất kỳ một người dân nào bị bỏ lại phía sau”, Đại hội Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ngày 15/05/2019 đã đề ra định hướng hoạt động cho nhiệm kỳ 2019-2024.
Một trong những mục tiêu của Hiệp hội trong thời gian tới là mở rộng mạng lưới hội viên, trong đó các doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các hợp tác xã có nhu cầu đổi mới ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp và liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội. Từ đó, hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ về “sớm chuyển 3,5 triệu hộ cá thể ở nông thôn đi cùng với các doanh nghiệp. Thiếu vai trò của doanh nghiệp sẽ khó hình thanh một nền sản xuất quy mô lớn của nông nghiệp Việt Nam” (Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp VN, 18/12/2016).
Một thực tiễn được nêu ra trong đại hội là ngành sản xuất hoa công nghệ cao ở Đà Lạt đang dần chứng tỏ được hiệu quả khi đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, với 1.500 ha đất canh tác. Trong đó gần 1.000 ha hoa được trồng trong nhà kính cao cấp, nhưng hoa Đà Lạt hiện nay vẫn chỉ quẩn quanh sân nhà với giá thấp, chưa đến 10% trong số trên được xuất khẩu. Từ đó, nghị quyết Đại hội khẳng định: Khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, là nguồn động lực duy nhất có thể giúp phát triển bền vững nền nông nghiệp ở tốc độ cao. Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, khoa học công nghệ, công nghệ cao là yếu tố không thể thiếu được.
Đánh giá hiệu quả thực tế của mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Nghĩa Đàn, Nghệ An của Tập đoàn TH thành công là do kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học công nghệ (công nghệ cao) và khoa học quản trị (4.0) trên nền tảng tài nguyên thiên nhiên và ý chí quyết tâm kiên định của doanh nghiệp, Đại hội coi đây là mô hình cần nghiên cứu để ứng dụng rộng, không chỉ trong nông nghiệp mà còn với nhiều ngành kinh tế khác.
Hiệp hội các Doanh nghiệp ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển nghề nghiệp, công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao. Hội viên thu hút 236 thành viên gồm 61 đơn vị, 175 cá nhân. |