“Chìa khóa” ứng phó biến đổi khí hậu
Khi thiên nhiên cuồng nộ Biến đổi khí hậu gây mưa lũ liên tiếp ở Châu Á |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020 chiều 22/12.
Nhiều đề tài quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu có khả năng thực tiễn cao
Trong 5 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan phê duyệt, triển khai 43 đề tài quốc gia với 4 nội dung (ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên và môi trường; nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc Chương trình giai đoạn (2011-2015).
Chương trình đã huy động được một số lượng lớn các nhà khoa học toàn quốc tham gia nghiên cứu bao gồm 1844 thạc sĩ, 980 tiến sĩ, 186 PGS, 386 GS. Đến nay đã tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia cho 30 đề tài và đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở cho 9 đề tài. 4 trong số đó được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia xếp loại xuất sắc.
Chương trình đã đóng góp quan trọng vào việc triển khai thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai bước đầu Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH cũng như Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Các kết quả nghiên cứu trong Chương trình, đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt như việc sửa đổi và trình thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sửa đổi Luật Đất đai. Chương trình cũng góp phần vào thực hiện các Hiệp định, Thỏa thuận quốc tế về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia.
Sản phẩm của nhiều đề tài đã được công bố rộng rãi trong nước và quốc tế, trở thành những tài liệu chuyên khảo phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước. Đồng thời, Chương trình cũng đã góp phần phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực TN&MT thông qua đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Tôi đánh giá cao những nghiên cứu của các nhà khoa học. Các đề tài nghiên cứu của chương trình có khả năng thực tiễn cao, có thể ứng dụng để bảo vệ môi trường”.
Áp dụng nghiên cứu vào thực tiễn, đẩy mạnh hành động
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà cho biết, chương trình rất có ý nghĩa, vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang đứng trước những thách thức lớn và diễn biến quá nhanh, khó lý giải, do đó cần thiết phải đẩy mạnh hành động.
Bộ trưởng Bộ TN&MT - Trần Hồng Hà |
Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các nhà khoa học đề xuất các hướng nghiên cứu thời gian tới để giải quyết các thách thức môi trường trong thực tiễn.
Các đại biểu và nhà khoa học đã nhắc tới 3 vấn đề lớn là ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải nhựa trong những trung tâm đô thị lớn; vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước và đặc biệt là quá trình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Chìa khóa để giải quyết những vấn đề này chính là khoa học công nghệ, vì vậy trong thời gian tới, tiếp tục tư duy, hoàn thiện “những đứa con tinh thần” để đưa nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn, chuyển hóa thành năng lực quản lý để có thể tác động góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tài nguyên, môi trường và kinh tế xã hội. Các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 1 đã nghiên cứu ra rất nhiều dữ liệu quan trọng, để xây dựng các mô hình ở nước ta, tôi rất mong muốn làm sao đầu tư hơn nữa để những kết quả nghiên cứu này phát huy được vào thực tiến một cách hiệu quả nhất”.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường.