ChatGPT – Thách thức hay cơ hội đối với các nhà báo?

Chiều 1/3, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Báo Tuyên Quang tổ chức Hội thảo "ChatGPT với báo chí truyền thông – cơ hội và thách thức”.
Xuất bản sách được viết bằng ChatGPT - Triển vọng hay quan ngại? Ngành giáo dục Ba Đình ứng dụng ChatGPT trong quản lý và dạy học Vai trò của người thầy không mất đi nhưng sẽ thay đổi trước ChatGPT

ChatGPT – công cụ hữu ích nhưng không thể thay thế nhà báo

Tại hội thảo, các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí khác nhau cùng các chuyên gia công nghệ đã thảo luận về ChatGPT, ứng dụng của công cụ này và thách thức, cơ hội đối với người làm báo.

Ông Vũ Cường, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, ChatGPT là ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Chỉ trong 2 tháng đã có 100 triệu người dùng; 28 triệu người dùng trong một ngày. Bây giờ, ứng dụng này mới ở cấp độ 3.5; phiên bản 4.0 ra đời, dự kiến với 100.000 tỷ tham số.

Theo chuyên gia này, đây là ứng dụng vô cùng hữu ích đối với người làm báo chí hiện nay.

Với một cơ sở dữ liệu 750 TB mà ChatGPT có được, 80% quét trên web, 16% quét từ sách; 4% quét từ Wikipedia, công cụ này sẽ giúp người làm báo giải quyết được một số khâu quan trọng như: Tóm tắt thông tin, từ một khối lượng văn bản đồ sộ; giúp ta nhanh chóng khái quát về một văn bản, cơ sở dữ liệu; Tăng tốc độ viết tin; Đặt câu hỏi và trả lời; Đề xuất tiêu đề; làm các tin trên mạng xã hội,…

ChatGPT – Thách thức hay cơ hội đối với các nhà báo?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí tuyên truyền chia sẻ tại hội thảo.

Không phủ nhận vai trò của ứng dụng này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí tuyên truyền cũng chia sẻ quan điểm, ChatGPT vừa mang lại thách thức, vừa là cơ hội.

Ông cho rằng, ChatGPT hoạt động dựa trên cơ sở dữ liệu. Trong khi đó, nhà báo là người tạo ra dữ liệu.

Mặt khác, những dữ liệu gốc sống động hàng ngày xảy ra trong cuộc sống thực mà nhà báo chứng kiến tận mắt, đến tận nơi… thì ứng dụng này không thể làm thay được.

Với kinh nghiệm 30 năm làm báo, PGS TS.Nguyễn Ngọc Oanh nhận định: “ChatGPT không thể thay thế vai trò của nhà báo trong tương lai”.

Nhà báo Vũ Hà, Trưởng ban Công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam cũng cùng chung quan điểm, báo chí là lĩnh vực không thể máy móc, sản phẩm báo chí làm ra phải từ kỹ năng, cảm xúc của con người, nhất là những tác phẩm phân tích, mang tính điều tra.

Thách thức về chất lượng thông tin

Bày tỏ quan điểm tại hội thảo, ông Trần Quang Diệu, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Truyền thông và Ứng dụng CNTT – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, với sự ra đời của ChatGPT, vấn đề chất lượng thông tin đối với nhà báo càng trở nên quan trọng.

Bởi lẽ, khi hoạt động dựa trên dữ liệu thu thập được và câu hỏi của người dùng, thì câu trả lời của ChatGPT đúng, sai lại phụ thuộc vào phần cung cấp thông tin.

Ngoài ra, đối với người làm báo cách mạng, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, chất lượng thông tin chính xác càng trở nên cần thiết.

Do đó, người làm báo nếu không tỉnh táo, sáng suốt và nâng cao đạo đức, có thể lợi dụng kỹ thuật công nghệ để thực hiện mục tiêu chống phá, chiếm quyền, thu hút người dùng, thao túng và định hướng thông tin sai lệch cho công chúng.

Hơn nữa, nhà báo, cơ quan báo chí còn đối mặt với vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Ông Khổng Quốc Minh, chuyên gia về bảo hộ bản quyền và sở hữu trí tuệ cho biết, trong Luật SHTT hiện nay, ChatGPT không phải là con người.

Theo ông Minh, sản phẩm do ChatGPT tạo ra cũng không phải là sáng tạo ban đầu của con người nên không được bảo hộ. Chủ sở hữu nội dung đó cũng không được coi là hợp pháp và có thể bị quy vào tội “mạo danh tác giả”.

ChatGPT – Thách thức hay cơ hội đối với các nhà báo?
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đặt ra vấn đề nhà báo phải làm gì để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức của trí tuệ nhân tạo AI nói chung và ChatGPT nói riêng?

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà báo tham dự hội thảo đều đồng tình quan điểm, người làm báo phải luôn cập nhật các kỹ năng như sử dụng công nghệ, kỹ năng xử lý thông tin để đáp ứng được yêu cầu bức thiết của công nghệ số.

"Nhà báo cần phải nâng cao tính sáng tạo để sản phẩm của mình có nét riêng trong cơ sở dữ liệu chung. Quan trọng nhất là không quên rèn luyện, giữ gìn đạo đức của người làm báo", PGS.TS Ngọc Oanh nói.

Bảo Phương; Ảnh: Nguyễn Việt
Phiên bản di động