Cầu vượt An Dương: Không có cơ sở nói công trình bị rút ruột
Sự việc khởi nguồn từ một vụ việc lùm xùm nội bộ của Công ty Hoàng Chi Việt Nam. Cụ thể, Công ty CP phát triển xây dựng & thương mại Thuận An (Công ty Thuận An) là nhà thầu được giao thi công gói thầu số 12, dự án cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên. Quá trình thực hiện dự án, Công ty Thuận An đã thuê Công ty Hoàng Chi Việt Nam làm một số công việc phụ trợ và cung cấp vật tư, vật liệu cho một số hạng mục nhỏ.
Theo tổng giám đốc Công ty Thuận An Nguyễn Duy Hưng, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã thanh toán cho Công ty Hoàng Chi Việt Nam toàn bộ khối lượng vật tư, cũng công việc thực tế thực hiện.
Vấn đề là một số cán bộ, công nhân viên của Công ty Hoàng Chi Việt Nam đã làm đơn kêu cứu gửi đến một số cơ quan vì bị nợ lương trong thời gian dài. Thậm chí một số ý kiến đơn phương từ nhóm cán bộ, công nhân viên này còn cho rằng công trình cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên đã bị “rút ruột”.
Cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng
Lãnh đạo Công ty Thuận An đã phủ nhận hoàn toàn thông tin trên. Vị này cho biết, phần việc được giao cho Công ty Hoàng Chi Việt Nam gồm: cung cấp biển báo đảm bảo giao thông; cọc cừ lasen; và thi công một số hạng mục phụ trợ như: cống thoát nước, rãnh hố ga của dự án.
“Họ chỉ thi công, còn cấu kiện do chúng tôi cung cấp. Vật tư, vật liệu đưa vào công trình cũng được Chủ đầu tư và Tư vấn giám sát kiểm duyệt gắt gao. Nên chắc chắn không có vấn đề “rút ruột” công trình như võ đoán của một số cán bộ, công nhân viên Công ty Hoàng Chi Việt Nam” - vị này bày tỏ.
Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cũng khẳng định: “Với quy trình giám sát chặt chẽ của nhiều bên, chắc chắn không thể có chuyện rút ruột công trình”.
Ông Cường lý giải, do hạng mục Công ty Thuận An thi công là tường chắn thay thế đê đất cũ. Do đó hạng mục này được Chủ đầu tư, đơn vị Tư vấn giám sát, Chi cục quản lý đê điều Hà Nội cùng tham gia giám sát suốt ngày đêm, không thể có chuyện làm sai thiết kế.
“Chúng tôi giao thầu cho Công ty Thuận An và đơn vị này phải chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng công trình. Còn Công ty Hoàng Chi Việt Nam được Thuận An thuê làm những công việc gì, thanh toán ra sao là việc của 2 đơn vị với nhau. Còn công trình đã có các cơ quan chức năng giám sát, thẩm định, không thể căn cứ trên một vài ý kiến chủ quan, không được xác thực mà quy kết là bị rút ruột” - ông Cường phân trần.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin nêu trên, Chủ đầu tư dự án cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Công ty Thuận An báo cáo toàn bộ sự việc.
Lãnh đạo Công ty Thuận An khẳng định: “Chúng tôi không nợ nần gì phía Công ty Hoàng Chi Việt Nam. Chuyện Công ty này nợ lương của cán bộ, nhân viên không liên quan đến Thuận An. Vừa qua chúng tôi cũng có nhận được đơn kêu cứu của một số nhân viên Công ty Hoàng Chi Việt Nam. Nhưng đó là chuyện nội bộ của họ, chúng tôi không có trách nhiệm cũng như quyền hạn can thiệp vào” - ông Hưng khẳng định.
Trên thực tế, để đáp ứng tiến độ cũng như chất lượng công trình cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên, kết hợp thay thế một đoạn đê đất cũ bằng tường chắn bê tông cốt thép, Chủ đầu tư cũng như các đơn vị thi công đã nỗ lực, cố gắng hết mình. Kết quả thực tế cho thấy, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, công trình đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực, tạo cảnh quan đô thị văn minh cũng như đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Lãnh đạo Công ty Thuận An chia sẻ, chuyện một đơn vị được nhà thầu chính thuê làm các công tác phụ trợ và cung cấp vật tư hiện không bị cấm đoán bởi bất kỳ quy định nào. Trường hợp Công ty Hoàng Chi Việt Nam nợ lương nhân viên chỉ là vấn đề nội bộ. Ý kiến cho rằng công trình cầu vượt bị rút ruột cũng mới chỉ là nhận định phiến diện, không có căn cứ, bằng chứng.