Câu chuyện giáo dục: Khai giảng cho học sinh hay đại biểu?
Thầy trò vùng lũ gồng mình chuẩn bị khai giảng Nhiều trường tạo hoạt động mới thay thế thả bóng bay Đảm bảo giao thông an toàn dịp Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới |
- Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch
Gọi lễ khai giảng lấy HS làm trung tâm nhưng không hẳn trường nào cũng làm được điều đó. Khai giảng đúng nghĩa sẽ gợi nhiều cảm xúc cho HS nhưng những năm qua do chúng ta coi trọng quá nhiều về mặt hình thức nên lễ khai giảng thường khiến HS chán.
Hãy mạnh dạn trả lại ngày khai giảng cho HS bằng những việc làm thiết thực mà trường nào cũng có thể làm được.
Trước hết đừng diễn tập quá nhiều chuẩn bị cho khai giảng. Nhiều trường “điểm” có đại biểu về dự lễ càng làm cho HS mệt mỏi vì mướt mồ hôi tập kịch bản trong nhiều ngày. Những tràng vỗ tay... không cảm xúc được “duyệt” từ kịch bản vô tình dạy cho HS giá trị ảo. Trong buổi lễ, nếu đại biểu đến... chưa đúng giờ, HS phải chờ, vì đại biểu là trung tâm. Tội nhất là những đứa trẻ lớp 1 chân ướt chân ráo bước vào trường đã phải học... kịch bản khai giảng.
Các nhà trường đừng quá quan tâm đến hình thức trong lễ khai giảng. Chính bệnh hình thức khiến cho cả “đạo diễn” (ban giám hiệu) và dàn “diễn viên” (thầy cô, nhân viên, HS) lo lắng, mệt mỏi, thậm chí căng thẳng. Chưa kể điều này vô tình đã đánh cắp lễ khai giảng của học trò mà chủ yếu là của... đại biểu.
Phát biểu ít và ngắn gọn. Một số trường có số người (từ đại biểu, ban giám hiệu, HS) phát biểu khá nhiều khiến cho HS cảm thấy nhàm chán. Không cần thiết phải nhiều “ban bệ” phát biểu. Hãy giảm bớt số người phát biểu và người phát biểu cần ngắn gọn, thiết thực, ý nghĩa để đi vào lòng người nghe.
Trong không khí buổi lễ khai giảng, hãy tạo cho HS niềm vui và niềm tin từ ngôi trường mà các em đang tiếp bước. Thực sự tạo phần hội nhiều hơn phần lễ bằng những sân chơi bổ ích, thiết thực và hấp dẫn.
Những năm học vừa qua, HS tựu trường mấy tuần rồi mới khai giảng nên buổi lễ khai giảng đã phai đi rất nhiều cảm xúc của ngày tựu trường, mất đi ý nghĩa của ngày hội đến trường. Cần trả lại cho HS thời nay ngày khai giảng 5.9 cũng là ngày đầu tiên đến trường. Nỗi niềm mong ước ấy của học trò cũng là của các thầy cô giáo đã, đang (và sẽ mong ước, nếu năm học tiếp theo vẫn không thay đổi) mong ước như thế.
Có thể nói, vì nhiều lý do khác nhau như thời tiết các vùng miền, nghỉ tết được dài ngày... nên tựu trường sớm hơn. Đó cũng là những lý do chính đáng. Song, để có ngày khai trường đúng nghĩa, mang giá trị tinh thần sâu sắc để học trò ghi nhớ mãi trong tâm trí theo suốt cuộc đời thì vẫn là ngày 5.9.
Hãy để HS bước qua cánh cổng trường đón chào năm học mới thực sự háo hức về ngày khai trường.