Căn bệnh “ngáo quyền lực” của người nổi tiếng
Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2023 Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân quyền toàn diện nhưng phải kiểm soát quyền lực Kiểm soát tốt quyền lực chính là ngăn chặn được tham nhũng |
"Ngáo quyền lực" ở người nổi tiếng là câu chuyện gây nhức nhối vì đã không người có sức ảnh hưởng với công chúng tự cho mình quyền ở trên khán giả hay “ảo tưởng” về sức mạnh của mình.
Mới đây, doanh nhân Nguyễn Phương Hằng đã nhận 2 năm 9 tháng tù vì hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" sau một loạt các cuộc livestream "thóa mạ, kết án nhiều cá nhân" với hàng chục nghìn mắt xem.
Hay nữ diễn viên, người mẫu Ngọc Trinh nhận án treo vì tội “Gây rối trật tự công cộng” sau 3 tháng tạm giam với hành động thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm như thả 2 tay, nằm trên yên xe, quỳ gối trên yên xe mô tô phân khối lớn… trên tuyến đường giao thông công cộng tại TP. Hồ Chí Minh.
Nữ diễn viên Ngọc Trinh bị xử phạt vì "Gây rối trật tự công cộng". |
Dù đã qua được một thời gian, nhưng những ồn ào của nam MC Trấn Thành với những phát ngôn “Đời nghệ sĩ khó nuốt”, nữ ca sĩ Đông Nhi với thái độ coi thường khán giả hay tiktoker Võ Hà Linh với danh xưng “chiến thần” vẫn luôn được nhắc lại.
Đối với thời đại mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu, những hành động, phát ngôn và sự biểu hiện của bệnh "ngáo quyền lực" trên gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt trong cuộc sống.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Trung Hiệp - Ủy viên Ban chấp hành Hội Truyền thông số Việt Nam (cơ quan trực thuộc Bộ TT&TT), Giám đốc công ty TNHH Công ty Truyền thông và sự kiện Linkstar.
Ông Vũ Trung Hiệp - Ủy viên Ban chấp hành Hội Truyền thông số Việt Nam. |
PV: Theo ông, nguyên nhân nào gây ra căn bệnh "ngáo quyền lực" của người nổi tiếng?
Khách mời: Về mặt chủ quan, nguyên nhân xuất phát từ hai chiều hướng. Nhóm thứ nhất là những người có nền tảng tri thức và nhận thức chưa tốt, vô tình bị cuốn theo “cuộc chơi” danh vọng mà không nhận thức được bản thân đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới công chúng. Ngược lại, những người hiểu rõ bản chất của sự nổi tiếng nhưng cố tình sử dụng chúng sai cách để tăng nhận diện và trục lợi cá nhân là những người có giá trị quan và nhân sinh quan lệch lạc, không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức.
Nguyên nhân khách quan xuất phát từ việc các trang thông tin và người dùng mạng xã hội đã tung hô quá đà và đặt cho họ những danh xưng như cao cả “chiến thần”. Đây là tác nhân lớn nhất dẫn đến những hành vi “ngáo quyền lực” của người nổi tiếng.
PV: Những hành động, phát ngôn và tư tưởng của những người đó có ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng, đặc biệt đối với trẻ em trong thời đại tiếp cận công nghệ dễ dàng như bây giờ?
Khách mời: Thứ nhất, các nhãn hàng đang hợp tác cùng người nổi tiếng đó sẽ bị ảnh hưởng tới danh tiếng và doanh thu, điều đó đồng nghĩa công việc và thu nhập của nhân sự đó cũng gặp phải sự tác động tiêu cực.
Thứ hai, cộng đồng người nổi tiếng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những “con sâu làm rầu nồi canh”. Trước tiên, những người nổi tiếng ý thức tốt sẽ bị ảnh hưởng danh tiếng và đánh đồng là những người “ngáo quyền lực”. Sau đó, những người nổi tiếng chưa có nhân sinh quan tốt sẽ coi đó là những “tấm gương” mà làm theo, từ đó, tạo ra một môi trường mạng ngày càng xuống cấp.
Thứ ba, đối với công chúng, đặc biệt là những công chúng chưa có nhận thức rõ ràng trong các vấn đề xã hội, sẽ bị ảnh hưởng xấu đến nhân sinh quan. Có thể họ sẽ cho rằng, trở thành người nổi tiếng sẽ có những đặc quyền như vậy, có thể nói điều mình muốn một cách “vô tư” mà vẫn có nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề, hâm mộ hay ước mơ trở thành người nổi tiếng không phải điều xấu, đó có thể là động lực để các bạn cố gắng phát triển bản thân hơn, có định hướng rõ ràng hơn cho tương lai của mình. Chính vì vậy, cần tạo ra những nền tảng trong sạch hơn, truyền cảm hứng nhiều hơn.
PV: Là một người hoạt động lâu năm trong giới truyền thông, theo ông, cần có những giải pháp gì để hạn chế căn bệnh "ngáo quyền lực" này?
Khách mời: Theo tôi, bản thân những người nổi tiếng cần có một nền tảng văn hóa và giá trị nhân sinh quan tốt để kiểm soát bản năng con người khi đứng trước cám dỗ danh vọng cũng như sử dụng tầm ảnh hưởng đúng cách để đem đến những giá trị sống tốt đẹp; ý thức được tầm ảnh hưởng của mình mà chú ý đến phát ngôn, hành động và hình tượng. Đó là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Ngược lại, người dùng mạng xã hội cũng cần phải chủ động trang bị, nâng cao nhận thức để trở thành những người dùng thông minh, tỉnh táo, khen đúng người, chê đúng việc, không tâng bốc ai, không vùi dập bất kỳ cá nhân, tổ chức nào và để hạn chế tạo ra những trường hợp "ngáo quyền lực" trong tương lai.
Đặc biệt nhất, để bắt kịp với sự phát triển của xã hội, cơ quan chức năng cần có những động thái chủ động hơn trên mặt trận văn hóa mạng. Hiện nay, đã có tới 2-3 cơ quan của Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL cùng với những quy định cụ thể để quản lý vấn đề này; song, vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng thêm những chế tài quản lý, hành lang pháp lý chặt chẽ, đặc biệt đối với ngành nghề mới như KOC (Key opinion consumer - Người tiêu dùng chủ chốt) để bảo vệ không gian mạng cho người tiêu dùng, cho chính bản thân những người nổi tiếng cũng như các doanh nghiệp, nhãn hàng và cá nhân có liên quan.