Các công ty đa quốc gia chiếm gần 1/5 lượng khí thải CO2 toàn cầu
Hà Nội: Nồng độ ô nhiễm gia tăng, người dân cần lưu ý bảo vệ sức khỏe |
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Các chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia như BP, Coca-Cola và Walmart chịu trách nhiệm gây ra gần 1/5 lượng khí thải CO2 trên toàn cầu, vốn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu.
Đây là kết quả của công trình nghiên cứu do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học London (Anh) và Đại học Thiên Tân (Trung Quốc), thực hiện và được đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change số ra mới đây.
Theo các nhà nghiên cứu, phần lớn trong lượng khí CO2 mà các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia thải ra là ở các khu vực nghèo hơn trên thế giới do các công ty này đầu tư sản xuất vào những nước đang phát triển.
Giáo sư Dabo Guan của Đại học London và Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh (Trung Quốc), đồng tác giả nghiên cứu trên, cho biết nghiên cứu này cung cấp bằng chứng định lượng đầu tiên về dòng đầu tư và dấu ấn carbon của các công ty đa quốc gia.
Nghiên cứu cho thấy lượng khí thải từ chuỗi cung ứng của nhiều công ty lớn, còn cao hơn so với lượng khí thải của nhiều nước.
Ví dụ, lượng CO2 từ chuỗi cung ứng sản xuất các sản phẩm của hãng Coca-Cola gần như tương đương với lượng khí phát thải của ngành thực phẩm Trung Quốc phục vụ cho 1,3 tỷ dân.
Tương tự, lượng khí thải CO2 của các chi nhánh thuộc Walmart ở nước ngoài cao hơn so với lượng CO2 của ngành bán lẻ của Đức, trong khi lượng khí thải CO2 của các chi nhánh trên thế giới của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) cao hơn so với khí thải của các hãng chế tạo điện tử ở Ấn Độ, Thái Lan...
Theo người phát ngôn của Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, công ty này đang đặt mục tiêu không thải 1 tỷ tấn khí CO2 từ chuỗi cung ứng trên toàn cầu của tập đoàn vào năm 2030 thông qua sáng kiến mang tên Project Gigaton.
Kể từ năm 2017, hơn 2.300 nhà cung cấp của 50 nước trên thế giới đã không thải ra 230 triệu tấn khí CO2 nhờ cải thiện trong các lĩnh vực như năng lượng, chất thải và đóng gói.
Nhà khoa học Zengkai Zhang thuộc Đại học Thiên Tân, một đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết việc các công ty đa quốc gia đầu tư vào các nước đang phát triển có tác dụng làm giảm lượng khí thải của các nước phát triển, song tạo ra gánh nặng khí thải lớn hơn ở những nước nghèo.
Theo nghiên cứu, trên cho biết đầu tư nước ngoài của các công ty đa quốc gia chiếm 18,7% lượng CO2 trên toàn cầu năm 2016.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng nên phân bổ lượng khí thải cho những nước đầu tư vào sản xuất sản phẩm hơn là cho những nước mà các công ty đa quốc gia đầu tư sản xuất, để các công ty này chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Trong khi đó, Giáo sư Dabo Guan cho rằng điều quan trọng đối với các công ty đa quốc gia của châu Âu và Mỹ là "làm gương" cho các công ty Trung Quốc và Ấn Độ khi các công ty này đã bắt đầu đầu tư nhiều hơn ở châu Phi và Đông Nam Á.
Các nhà khoa học cảnh báo nếu các nước thất bại trong việc làm giảm lượng khí CO2 đang trên đà gia tăng, có thể dẫn tới các cuộc khủng hoảng từ thiếu lương thực và nước sạch tới các thảm họa thiên tai nghiêm trọng và mực nước biển dâng cao.