Cả nước ghi nhận 9.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong tuần (từ ngày 7 đến 14/10), cả nước ghi nhận 9.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương.
Quận Hoàn Kiếm phát động chiến dịch “Vì cộng đồng không có Sốt xuất huyết năm 2022” Tổ chức đội tình nguyện hỗ trợ các lực lượng trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue Tăng cường vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 102 trường hợp tử vong (tăng 81 trường hợp tử vong so với năm ngoái).

So với cùng kỳ năm 2021 (54.219/21) số mắc tăng 4,8 lần, tử vong tăng 81 trường hợp. Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong.

bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua có thêm 1.034 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.779 mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong. Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 48 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 19 quận, huyện…

Tại TP HCM, tính từ đầu năm tới ngày 9/10 đã ghi nhận 64.461 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 627,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố đã có 26 ca tử vong trong đó 75% số ca tử vong là người lớn.

Dù tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn đang có dấu hiệu giảm nhưng số ca nặng nhập viện vẫn không có dấu hiệu đi xuống. Để hạn chế số ca nặng và tử vong do sốt xuất huyết, Sở Y tế TP HCM đã quyết định áp dụng mô hình tháp 3 tầng theo kinh nghiệm của điều trị COVID-19 để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao do đang là cao điểm mùa dịch diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm.

Bộ Y tế khuyến cáo, đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khoẻ.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động