Ca đậu mùa khỉ thứ 2 trên địa bàn Bình Dương sức khỏe ổn định

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hiện đã có thêm 1 ca mắc đậu mùa khỉ ở địa bàn. Cả hai bệnh nhân đều xuất hiện các bọng nước màu đỏ nhưng hiện sức khỏe đã ổn định.
Ngành Y tế Việt Nam khống chế thành công 2 ca đậu mùa khỉ Triển khai công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ Bộ Y tế xếp đậu mùa khỉ vào bệnh truyền nhiễm nhóm B

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết trước đó, bệnh nhân T đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex, được bác sĩ khám, phát hiện, nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh nhân là nam (L.M.T. sinh năm 2004), được phát hiện vào chiều 5/10, ở khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, TP Thuận An. Anh T được xác định có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được TP Hồ Chí Minh xác định trước đó là N.T.S. ở quận Tân Bình.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thứ 2 tại TP Thuận An. Ảnh: Hoàng Linh
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thứ 2 tại TP Thuận An (Ảnh: Hoàng Linh)

Hiện bệnh nhân được cách ly điều trị tại Khoa nhiễm Trung tâm Y tế TP Thuận An. Toàn bộ số người tiếp xúc gần có yếu tố dịch tễ được ngành Y tế tỉnh xử lý phòng dịch triệt để theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Lãnh đạo sở y tế thông tin, toàn bộ những người tiếp xúc gần có yếu tố dịch tễ và ổ dịch được ngành y tế Bình Dương xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thuận An cho biết: Ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 2 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang điều trị tại Khoa Nhiệt đới, Trung tâm Y tế thành phố hiện sức khỏe ổn định. Qua thăm khám vào sáng 7/10, các sang thương trên da của bệnh nhân không tiến triển thêm, điều trị 5 - 7 ngày có thể xuất viện, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Khu vực cách ly của bệnh nhân đậu mùa khỉ. Ảnh: Hoàng Linh
Khu vực cách ly của bệnh nhân đậu mùa khỉ (Ảnh: Hoàng Linh)

"Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền có giới hạn nên người dân không nên hoang mang, lo lắng bởi bệnh lây truyền khi có yếu tố tiếp xúc gần và trực tiếp đối với ca bệnh. Trong trường hợp tiếp xúc gián tiếp và tiếp xúc xung quanh thì khả năng lây truyền rất thấp", bác sĩ Phương thông tin thêm

Tuy vậy, đối với những trường hợp có yếu tố tiếp xúc có sốt, đau họng, nổi sang thương trên da cần đến cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán, phân biệt bệnh thủy đậu hay bệnh đậu mùa khỉ để có hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.

Trước đó, ngày 23/9, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thông tin về trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở tỉnh Bình Dương là chị N.K.L (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Sau quá trình điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và dự kiến xuất viện ngày 10/10.

Sức khoẻ ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Bình Dương đã ổn định.
Sức khoẻ ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Bình Dương đã ổn định

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, ngành Y tế đã sẵn sàng các phương án ứng phó dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh truyền thông minh bạch bằng nhiều hình thức cho người dân, cộng đồng về các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn đúng theo quy định. Đặc biệt, khi phát hiện trường hợp bệnh, các đơn vị khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm, quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch lan rộng ra cộng đồng.

Y tế Bình Dương yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị, tổ chức giám sát và báo cáo ca bệnh theo quy định.

Hoàng Lân
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động