Buộc thôi việc giáo viên vì dịch bệnh corona, chủ trường cầu xin tha thứ
Trường ngoài công lập mong đón học sinh trở lại trường Nhiều người ảnh hưởng vì học sinh nghỉ kéo dài 63 tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ thêm từ 1-2 tuần |
Nhiều trường chọn cách im lặng
Trao đổi với Dân trí, cô Lê Thị Bé Tuyết, chủ trường mầm mon Đô Rê Mi, thị xã Dĩ An, Bình Dương cho biết, ngày 15/2, cô ra thông báo quyết định giảm biên chế, thôi việc 1/3 giáo viên và các vị trí vòng ngoài tại trường trước tình hình nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, nhà trường đã làm công tác vệ sinh, thông báo chuẩn bị đón trẻ trở lại trường sau đợt nghỉ Tết và hai tuần nghỉ tránh dịch bệnh. Rồi đến phút chót nhận được quyết định hỏa tốc của Sở GD&ĐT Bình Dương nghỉ học hết tháng 2/2020.
Cả đêm cô Tuyết trăn trở, đặt ra nhiều phương án vẹn toàn nhất có thể, đến 2h sáng vẫn loay hoay với con số trước quyết định cho nghỉ việc và cả phương án dự phòng nếu mọi thứ ổn trở lại.
Cô Tuyết cũng tham khảo vài trường tư xem họ xử lý thế nào trước tình hình khủng hoảng này.
"Nhiều trường chưa thanh toán lương hoặc trả theo hình thức ứng lương. Có chủ trường chọn cách.... im lặng, không dạy thì không có nguồn thu, mặc giáo viên tự hiểu", cô Tuyết nói. Còn cô, ngày 5/2, giữa chồng chất khó khăn, cô đã thanh toán toàn bộ lương tháng 1 cho giáo viên, nhân viên.
Những ngày qua, rất nhiều giáo viên liên tục hỏi cô lương tụi em như thế nào, luật nói thế này thế kia. Lúc này, ngoài tình cảm, đối với người lao động, cô Tuyết biết mọi việc cần được giải quyết dựa trên luật lao động.
Làm theo luật, nhưng lòng hướng về tình
Cô Tuyết công khai quỹ lương riêng gồm lương và các khoản trích theo lương hàng tháng của trường. Trả lương theo luật trong thời gian chờ việc cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Qua đó, giáo viên có thể nhìn thấy tổn thất, khả năng "trụ" của một ngôi trường mầm non tư thục khi không còn nguồn thu.
"Bỏ một cây hay để phá một vườn? Cắt vài nhánh hay để chết cả cây? Tôi trăn trở vô cùng", cô Tuyết nói. Và cô dựa vào luật, trường hợp mất việc do bất khả kháng, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng có báo trước 30 hoặc 45 ngày tùy hợp đồng có thời hạn hay không.
Cô buộc phải thông báo cắt giảm biên chế phòng trường hợp nghỉ dài hạn, nghỉ không có hứa hẹn thời hạn khi không thể gánh cả guồng máy. Nếu tình hình không không tiến triển tích cực, các giáo viên bị cắt giảm tại trường chính thức nghỉ việc từ ngày 15/3 hoặc 30/3 tới.
Cô Tuyết nói, đây cũng sẽ là bài học cho tất cả người lao động. Cô cân nhắc quá trình nỗ lực, đóng góp, cống hiến để giữ lại những người xứng đáng. Những người trong danh sách cắt giảm kém nỗ lực hơn một chút xíu. Khi trường gặp khó khăn ngoài ý muốn, có nhiều em quan tâm lương của em thế nào, nhưng có em biết nhìn xa, hỏi rồi sắp tới tụi em có thất nghiệp không... Các suy nghĩ, thái độ đã có sự khác biệt.
Cô Tuyết cũng nhắn nhủ, đây là động thái phòng khi nghỉ dài hạn, nếu còn tiếp tục nghỉ tháng 3, tháng 4. Còn nếu quay trở lại hoạt động bình thường, giáo viên còn muốn tiếp tục làm việc tại trường vẫn luôn được chào đón và với mức lương như thời điểm hiện tại.
Có người hỏi cô, sao cô lại làm vậy? Sao cô không im lặng như mọi người rồi kệ đến đâu thì đến. Cô Tuyết nói: "Tôi không muốn tước đi cơ hội tìm được công việc có thu nhập cao hơn của các bạn trong thời điểm này".
Cô kể, đây là lần thứ hai trong cuộc đời mình đứng trước quyết định này. Lần đầu là khủng hoảng kinh tế 2008, chỉ khác lần cô là người làm thuê. Giờ cô mới hiểu, để đi đến quyết định này, trước đây các sếp người Nhật của mình đã đau lòng thế nào.
"Dành cho em một vé trở về nha cô"
Ngay khi cô Tuyết thông báo, nhiều giáo viên cùng khóc, chỉ biết ôm nhau động viên, an ủi mong dịch bệnh qua mau để quay trở lại làm việc.
Nhiều giáo viên nhắn tin chia sẻ với khó khăn của cô, cảm ơn cách cô giải quyết trong lúc này. Một số cô giáo trong danh sách cắt giảm hẹn, nếu khi trường hoạt động trở lại, vẫn mong muốn là một thành viên của trường.
Một cô giáo trẻ nhắn: "Trước mắt em sẽ xoay xở một công việc tạm thời. Dành cho em một vé có thể trở về nha cô". Cô Tuyết lại bật khóc!
Cô chỉ biết cầu xin các giáo viên, đồng nghiệp của mình tha thứ.
Cô Tuyết kể thêm, trước đó cô cũng liên lạc với Phòng GD&ĐT để bày tỏ nỗi niềm của mình. Không bàn cãi về căn bệnh dễ lây lan này, chỉ xét toàn cảnh, trường đóng cửa, rất nhiều phụ huynh không có ai trông con, buộc họ phải gửi con lay lắt chỗ nọ chỗ kia.
Người giữ không có chuyên môn chăm sóc, nuôi dưỡng, cũng không đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng dịch. Có gia đình phải nhốt con trong nhà, đứa cấp 1, cấp 2 trông đứa nhỏ. Trong khi, những người có chuyên môn thì lại khắc khoải trước nguy cơ mất việc...
Ở vị trí của mình, cô chủ trường Lê Thị Bé Tuyết mong muốn mọi người có cái nhìn đa chiều hơn, cơ quan ban ngành cân nhắc thiệt hơn để đảm bảo và dung hòa quyền lợi cho toàn xã hội.
Cũng như bao người, cô mong dịch bệnh qua thật nhanh...