Bùi Thị Thu Thảo và cú nhảy làm nên lịch sử

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, diễn ra từ ngày 9 - 10/12/2020 tại Hà Nội, Bùi Thị Thu Thảo và Đoàn Văn Hậu đã vinh dự được chọn là thành viên trong đoàn đại biểu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Phát hiện kho mỹ phẩm nhập lậu của hoa hậu Nguyễn Thị Thu Thảo VPBank thay đổi Giám đốc Khối tài chính Khoảnh khắc Thu Thảo đoạt Huy chương vàng ASIAD

Nếu như Đoàn Văn Hậu là cái tên quen thuộc trên truyền thông khi gắn liền với những chiến tích của bóng đá Việt Nam thời gian gần đây, thì thành công của Bùi Thị Thu Thảo không phải ai cũng biết rõ.

Nữ hoàng nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo
Nữ hoàng nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo

Nhắc đến cái tên Bùi Thị Thu Thảo là nói đến những chiến tích huy hoàng của cô tại đấu trường quốc tế. Ở tuổi 28, Bùi Thị Thu Thảo đã có đến 14 năm gắn bó với điền kinh và đặc biệt thành công với môn nhảy xa.

Đỉnh cao trong sự nghiệp của cô chính là cú nhảy “để đời”, mang về thành công lịch sử cho Đoàn Thể thao Việt Nam nói chung và môn điền kinh nói riêng ở Đại hội Thể thao Châu Á - ASIAD 2018.

Tối 27/8/2018, Thu Thảo bước vào nội dung nhảy xa nữ và đã thực hiện cú nhảy tốt ngay ở lượt đầu tiên với thành tích 6,55m.

Cú nhảy mở màn khi cơ thể còn chưa nóng đó lại chính là thành tích mang về tấm huy chương Vàng lịch sử cho cá nhân Bùi Thị Thu Thảo tại đấu trường châu lục.

Đáng quý hơn khi đây là tấm huy chương Vàng đầu tiên trong lịch sử của điền kinh Việt Nam tại một kỳ ASIAD và cũng chính là tấm huy chương Vàng điền kinh duy nhất của Đông Nam Á ở kỳ Á vận hội diễn ra cách đây 2 năm.

Thành công đó đã mang về cho cô nhiều giải thưởng lớn. Trong đó, 2 năm liên tiếp (2017 - 2018), Thu Thảo giành danh hiệu Nữ vận động viên của năm tại giải thưởng Cúp Chiến thắng.

Để có được cú nhảy lịch sử tại ASIAD 2018, Thu Thảo đã phải miệt mài suốt 4 năm khổ luyện. Năm 2014, Thu Thảo đã ở rất gần tấm huy chương Vàng ASIAD diễn ra ở Incheon Hàn Quốc. Khi đó cô đạt thành tích nhảy xa là 6,44m nhưng Maria Londa - đối thủ người Indonesia đã có cú nhảy xuất thần đạt thành tích 6,55m, khiến Thảo đành về nhì chung cuộc.

Không nản chí, Thu Thảo đã nỗ lực tập luyện và được đền đáp xứng đáng. Năm 2017, Londa đã hoàn toàn bị Thu Thảo đánh bại tại tất cả các giải đấu. Đó cũng là năm thành công trong sự nghiệp của cô gái quê Ba Vì khi lên ngôi tại hai chặng Grand Prix Châu Á, giải vô địch Châu Á, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật Châu Á, SEA Games 29 trước khi chinh phục huy chương Vàng lịch sử tại ASIAD 2018.

Để đi được đến đỉnh cao Châu Á, sức bật lớn nhất của Bùi Thị Thu Thảo chính là tính cách lạc quan và đầy nghị lực
Để đi được đến đỉnh cao Châu Á, sức bật lớn nhất của Bùi Thị Thu Thảo chính là tính cách lạc quan và đầy nghị lực

Bùi Thị Thu Thảo còn là biểu tượng cho nghị lực vượt qua số phận bản thân, kiên trì theo nghiệp thể thao vì giấc mơ thoát nghèo.

Sinh năm 1992, tại huyện Ba Vì, Hà Nội trong gia đình thuần nông, Thu Thảo có một tuổi thơ cơ cực. Nhà cô thuộc diện nghèo khó nhất xóm. Bố mẹ Thu Thảo đều làm nghề nông. Nhà có ba anh em, Thu Thảo là út và cũng là người duy nhất bén duyên với nghiệp thể thao.

Bên cạnh đó, Thu Thảo chỉ cao 1m65, không đạt chuẩn với một vận động viên nhảy xa. Ở mỗi cuộc thi, cô đều thuộc nhóm thấp nhất. Ngược lại, Thảo đã sớm thể hiện tiềm năng và bản lĩnh thi đấu vững vàng. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Thảo đã bén duyên với bộ môn điền kinh. Cô là người giỏi môn thể dục nhất lớp, được các thầy tuyển chọn đi thi đấu ở các giải do huyện và tỉnh Hà Tây (cũ) tổ chức.

Khi theo đuổi nghiệp điền kinh, Bùi Thị Thu Thảo có thời điểm chỉ được hưởng chế độ phụ cấp 50.000 đồng/ngày dành cho vận động viên trẻ. Cô đã hai lần định bỏ ngang, có lúc tranh thủ ra ngoài làm các công việc khác để phụ giúp gia đình, cũng là tự nuôi chính mình và theo đuổi nghiệp thể thao.

Để đi được đến đỉnh cao Châu Á, sức bật lớn nhất của Bùi Thị Thu Thảo chính là tính cách lạc quan và đầy nghị lực. Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí, cô thường không nói nhiều về sự khó khăn và cơ cực của bản thân. Thảo không hề nghĩ gia cảnh là gánh nặng hay rào cản, mà đó luôn là động lực to lớn nhất.

Trước ASIAD 18, nữ vận động viên từng có ý định xin nghỉ để có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Cũng chính sự động viên từ gia đình là lý do để cô tiếp tục phấn đấu, quyết tâm mang về những vinh quang cho thể thao Việt Nam.

Những thành công đó là kết quả khổ luyện của hơn chục năm theo điền kinh, trong đó có những hy sinh thầm lặng. Cô kết hôn nhưng phải tạm hoãn chuyện làm mẹ để hoàn thành nốt những mục tiêu lớn cho đội tuyển quốc gia.

Năm 2020, các giải đấu quốc tế không diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Do đó, Bùi Thị Thu Thảo có thêm thời gian để chăm sóc cho gia đình. Cô sẽ trở lại thi đấu vào năm 2021, với mục tiêu là kỳ SEA Games diễn ra tại Việt Nam.

Thanh Thắng
Phiên bản di động