Bức tranh nhiều màu sắc của vùng đất cổ Vĩnh Tường
Tác giả Đỗ Việt Trì (thứ 2 từ bên trái) |
Vĩnh Tường - vùng đất cổ
Vĩnh Tường là vùng đất thuộc châu thổ Sông Hồng, rất thuận lợi cho quá trình di cư của người Việt cổ từ vùng núi về đồng bằng ven sông, ven biển. Kết quả khai quật khảo cổ học nhiều địa điểm khác nhau ở Vĩnh Tường đã khẳng định, cách nay khoảng 4.000 năm nơi đây từng là nơi sinh tụ của người Việt cổ. Điển hình là các di tích:
Di tích Lũng Hoà: Di tích này nằm trên khu đất cao trồng rau, màu của người dân thôn Hoà Loan, địa phương gọi là cánh đồng Đầu. Di tích này được phát hiện năm 1963, viện khảo cổ đã khai quật 3 lần (năm 1966, 1996 và 1999). Qua 3 lần khai quật, giới khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật quý, các mộ táng ở các tầng văn hoá khác nhau.
Di tích Nghĩa Lập: Thuộc thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng, Vĩnh Tường. Diện tích của di tích hơn 26.000 m2. Đã 3 lần khai quật khoảng 416 m2 từ các năm 1968, 2006- 2007 và 2011.
Di tích Gò Mát nằm phía tây Bắc thôn Lũng Ngoại xã Lũng Hoà.
Di tích Đồng Hưởng thuộc thôn Phương Viên, thị trấn Thổ Tang. Qua khai quật ở các di tích, giới khảo cổ đã khẳng định:
Vĩnh Tường là nơi có cư dân sinh sống từ thời văn hoá Phùng Nguyên, cách nay khoảng 3.500-4.000 năm. Người Việt cổ ở Vĩnh Tường đã biết làm nông nghiệp khá sớm, đồng thời biết chăn nuôi gia cầm hộ gia đình; biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, đan lát, làm đá, đồ gốm... chứng tỏ đã xuất hiện nghề thủ công trong nông nghiệp.
Đặc biệt, trong 12 ngôi mộ cổ ở di chỉ Lũng Hoà, có 7 ngôi chôn theo vật tuỳ táng là Hàm Lợn, đó là tư duy tâm linh theo lozic “dương sao, âm vậy”, là khởi nguyên của tư duy trừu tượng.
Có một bài báo, tác giả viết: “Từ tư duy trừu tượng, cư dân cổ Vĩnh Tường đã dần dần có được những tư duy và kiến thức khoa học cơ bản...” và “Những cư dân Việt cổ ở vùng Vĩnh Tường cùng với cư dân Việt cổ ở vùng đồng bằng Bắc bộ giai đoạn văn hoá phùng nguyên cách nay khoảng 4.000 năm, thật sự là những người khai sơn, phá thạch, mở lối đắp đường ở châu thổ Sông Hồng để các lớp người sau tiếp tục tiến lên đỉnh cao mới với việc hình thành nhà nước Văn Lang – Âu Lạc và nền văn minh lúa nước ở châu thổ Sông Hồng”.
Nền kinh tế hàng hoá phát triển khá sớm
Cư dân cổ Vĩnh Tường đã biết làm những sản phẩm thủ công bằng tre, nứa, gỗ và đồ dùng bằng đá; trải qua hàng trăm năm, những sản phẩm thủ công ấy đã phát triển lên đỉnh cao mới, trở thành hàng hoá trao đổi với nhiều địa phương khác. Đó là các sản phẩm từ gỗ như giường, tủ, bàn ghế của Bích Chu, Thủ Độ, An Tường, dụng cụ bằng sắt như cuốc, thuổng, lưỡi cày, dao, liềm, búa... là sản phẩm của làng rèn Bàn Mạch, Lý Nhân. Ngoài ra, còn nhiều vùng quê khác làm bún, bánh, các loại thực phẩm chế biến phục vụ bữa ăn gia đình.
Dọc theo triền sông Hồng, ngày xưa có các thương điếm như: Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, Đình Hương, Bạch Hạc là nơi hội tụ các nhà buôn từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội lui tới, luân chuyển hàng hoá từ Vĩnh Tường đi chợ Bờ (Hoà Bình), Then, Vũ Ẻn (Phú Thọ) và các chợ ở ven sông thuộc Tuyên Quang.
Vĩnh Tường là vùng đồng bằng, là vựa lúa của tỉnh, vì vậy sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Vĩnh Phúc, chúng tăng cường vơ vét sản vật các địa phương để xuất khẩu. Vĩnh Tường từng là nơi cung cấp hàng vạn tấn gạo mỗi năm cho các thương lái người Việt và người Pháp gọi là các “đại lý” để họ xuất khẩu ra nước ngoài. Như vậy, nông sản Vĩnh Tường đã từng tham gia xuất khẩu, trở thành hàng hoá thiết yếu thời bấy giờ. Đặc biệt, ở Vĩnh Tường có Thổ Tang là nơi nổi tiếng cả nước về làm thương mại, dịch vụ. Trong cuốn lịch sử đảng bộ Vĩnh Tường (1930-2017) xuất bản năm 2018 viết về Thổ Tang như sau: “Ở Thổ Tang không thiếu bất kỳ một loại hàng hoá tiêu dùng nào. Kinh tế hàng hoá phát triển ở Thổ Tang khá sớm so với nhiều vùng quê khác. Ở đó có các loại chợ: Chợ sáng, chợ chiều, chợ đêm, đặc biệt là “chợ lao động”, cung ứng lao động làm thuê và dịch vụ tiền tệ hoạt động hiệu quả, làm cho kinh tế Thổ Tang phát triển mạnh. “Hiện tượng Thổ Tang” cùng các làng nghề truyền thống đã góp phần tạo nên những điểm nhấn về kinh tế hàng hoá của huyện Vĩnh Tường và điều đó cắt nghĩa vì sao tư duy nói chung, tư duy kinh tế nói riêng của người Vĩnh Tường cũng khác hơn so với nhiều vùng quê khác trong tỉnh và cả nước”.
Nêu ra một thông điệp Vĩnh Tường là nơi có nền kinh tế hàng hoá phát triển sớm để khẳng định một điều rằng, riêng kinh tế thị trường định hướng XHCN mà ngày nay chúng ta đang xây dựng, phải chăng ở Vĩnh Tường từ rất sớm đã manh nha một nền kinh tế thị trường và do đó đã có chiều sâu lịch sử để tiếp nhận cái mới, làm cho Vĩnh Tường đi nhanh hơn trong công cuộc đổi mới.
Vùng đất giàu bản sắc văn hoá
Ở một vùng quê lúa, nhưng Vĩnh Tường lại có những công trình nổi tiếng về nghệ thuật kiến trúc như Đình Thổ Tang, được xây dựng vào thế kỷ XVII thuộc hệ kiến trúc đình làng thời hậu Lê. Đình có tới 21 bức chạm khắc tinh xảo thể hiện bàn tay nghệ thuật tài ba của các nghệ nhân xưa, đó là: Cảnh đi cấy, chăn trâu, đánh ghen, vợ chồng lười, vũ nữ cưỡi rồng, cảnh con mọn, đá cầu, bắn hổ, đánh cờ uống rượu. Ngoài đình Thổ Tang, còn có đền Phú Đa chạm khắc sấu đá, ngựa đá rất tinh xảo; chùa Phượng Tường (xã Ngũ Kiên) hiện còn quả chuông lớn đúc từ năm 1793... Đó là những hiện vật tiêu biểu của văn hoá vật thể nổi tiếng ở Vĩnh Tường. Hiện nay, Vĩnh Tường có 20 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 60 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Về văn hoá phi vật thể, Vĩnh Tường là vùng quê có nhiều nơi phát triển các nhóm, hội hát Xoan, ghẹo, hát chèo, hát văn, ca trù. Ngày xưa, vào những dịp du xuân hay hội hè, các làng, xã thường tổ chức các hoạt động ca hát tập thể ở các xóm, trong các sân của gia đình, chòm xóm. Với các lễ hội, người dân tham gia có tính cộng đồng làng xã như “chơi đu”, lễ hội cấy, cày, trâu rơm, bò rạ... Có một lễ hội được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là lễ hội đền Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh.
Đặc biệt, về văn hoá tâm linh, ở Vĩnh Tường có Văn Miếu phủ Tam Đới được xây dựng từ thế kỷ XV ở xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường). Văn Miếu phủ Tam Đới thế kỷ XV, trở thành nơi mở đầu, là tiền thân của Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc thế kỷ XXI thờ tự, tôn vinh 91 vị Đại khoa của tỉnh.
Ở vùng đất học này, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, Phủ Vĩnh Tường đã có hơn 250 cử nhân nho học. Tiêu biểu là xã Tứ Trưng có 78 vị, còn đỗ tú tài thì hầu như làng nào cũng có.
Riêng bậc đại khoa-là danh hiệu tiến sỹ từ triều Lê đến triều Nguyễn, Vĩnh Tường có tới 23 vị và 1 phó bảng (triều Nguyễn). Dẫn đầu là xã Thượng Trưng có 6 vị; xã Vũ Di có 5 vị; Tứ Trưng 3 vị; Ngũ Kiên, An Tường mỗi xã có 2 vị; Cao Đại, Phú Đa, Bồ Sao, Vĩnh Sơn, Yên Lập, Thổ Tang mỗi xã có 1 vị.
Người đỗ Tiến sỹ nho học đầu tiên là Nguyễn Văn Chất (người xã Vũ Di), đỗ tiến sỹ Khoa Mậu Thìn đời vua Lê Nhân Tông (1448). Ông làm quan đến chức Thượng Thư bộ Hộ (tương đương Bộ trưởng Bộ Tài chính hiện nay). Ngoài ra còn các vị đại khoa học rộng, tài cao, đức trọng như Phí Văn Thuật (xã Thượng Trưng); Lưu Túc (xã Vũ Di); Tô Thế Huy (xã Cao Đại); Hoàng Bồi (Cam Giá-An Tường). Có một điều hết sức đặc biệt là thời phong kiến cả tỉnh Vĩnh Phúc (gồm Vĩnh Yên và Phúc Yên) có 5 vị đại khoa ngạch võ thì Vĩnh Tường có 4 vị là Hoàng Công Phái, Nguyễn Danh Đát, Nguyễn Danh Thái và Nguyễn Danh Triêm. Và cũng rất thú vị vì trong số 4 vị đại khoa ngạch võ ấy thì có 3 vị là cùng một dòng họ ở xã Phú Đa là Nguyễn Danh Đát, Nguyễn Danh Thái và Nguyên Danh Triêm.
Ngày nay, Vĩnh Tường có 24 giáo sư, Phó giáo sư tiến sỹ, 17 thầy thuốc ưu tú, 2 thầy thuốc nhân dân,10 nhà giáo được phong tặng nhà giáo ưu tú. Về lĩnh vực quân sự, Vĩnh Tường có 11 sỹ quan cấp Tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam và 4 sỹ quan công an cấp tướng.
Vĩnh Tường có 6 Anh hùng LLVT nhân dân, 1 Anh hùng lao động, trong số đó có Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân (xã Ngũ Kiên) với lời hô bất tử: “Nhằm thẳng quân thù, bắn”.
Những điểm nhấn lịch sử
Ngày 15/12/1927, Nguyễn Thái Học (người xã Thổ Tang) đang học ở Hà Nội đã cùng các huynh đệ của mình lập ra một đảng bí mật lấy tên là Việt Nam Quốc dân Đảng. Tôn chỉ của Đảng giống như chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), do đó đã thu hút được trí thức tiểu tư sản, tư sản dân tộc tham gia. Tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng đã thành lập được một số chi bộ ở Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Yên), Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội,…
Ngày 10/2/1930, nhiều cuộc khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân Đảng đã nổ ra ở các địa phương miền Bắc, trong đó đỉnh cao là ở Yên Bái, tuy tất cả thất bại nhưng ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở Vĩnh Yên mà trong cả nước. Ghi nhận công lao to lớn của Nguyễn Thái Học, ngày 24/2/1976, Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam đã truy tặng ông “Bằng Tổ quốc ghi công” và truy tặng danh hiệu liệt sỹ.
Chỉ vài tháng sau khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, tỉnh Vĩnh Yên đã có cán bộ Đảng về hoạt động nhen nhóm phong trào, xây dựng cơ sở chính trị ở các làng, xã. Huyện Vĩnh Tường là địa bàn được xứ ủy Bắc Kỳ rất chú ý và do đó ở một số địa phương đã có những hạt nhân trung kiên hoạt động như ở Đại Đồng, Bạch Hạc, Vũ Di, Tứ Trưng. Đầu năm 1930, ở Bích Đại, Đồng Vệ đã tổ chức được “Nông hội đỏ” và “Phụ nữ giải phóng”. Từ đó phong trào cách mạng ở Vĩnh Tường dần dần có tổ chức và ngày càng lan rộng, nhất là thời kỳ mặt trận dân chủ (1936-1939).
Vào năm 1933, đồng chí Nguyễn Kiến là người xã Tân Cương hoạt động cách mạng ở vùng mỏ Hòn Gai, được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương bị địch bắt và được ra tù trở về địa phương bị quản thúc. Nhưng chính bị quản thúc ở quê, nên đồng chí Nguyễn Kiến đã tranh thủ thời cơ thuận lợi tuyên truyền cách mạng cho một số thanh niên yêu nước của các xã trong huyện Vĩnh Tường, khi đủ điều kiện sẽ thành lập Đoàn thanh niên dân chủ. Thời kỳ này có rất nhiều thanh niên hăng hái tham gia hoạt động, trong đó nổi lên có Lê Xoay (ở Vũ Di); Nguyễn Tráng (người làng Hòa Lạc); Nguyễn Hành (làng Dẫn Tự).
Đầu năm 1938, chi bộ Vĩnh Tường thành lập không chỉ là sự kiện của riêng huyện Vĩnh Tường mà có ý nghĩa đối với sự phát triển của phong trào cách mạng toàn tỉnh.
Tháng 3/1940, xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban cán sự liên tỉnh Vĩnh Yên-Phúc Yên (được coi là liên tỉnh ủy lâm thời 2 tỉnh). Sự kiện này còn là dấu mốc sự ra đời của tổ chức tiền thân Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Bước tiến quan trọng trong công tác xây dựng Đảng
Từ khi thành lập Đảng đến trước khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác xây dựng Đảng ở đây còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là về tổ chức. Các chi bộ thường là độc lập, hoạt động dưới sự chỉ đạo của các cán bộ do Ban cán sự hoặc các tỉnh ủy lâm thời cấp tỉnh cử về các địa phương, do đó không kịp thời, thiếu thống nhất hoặc thường xuyên bị mất liên lạc do địch khủng bố.
Nhận rõ những hạn chế này, đồng thời căn cứ thực tế ở Vĩnh Tường có phong trào cách mạng phát triển rất mạnh, nhất là các làng Đồng Phú, Phú Hạnh, Phú Thứ, Xuân Lai, Bàn Mạch Thượng, Cao Xá, Bình Trù, Đại Định. Về tổ chức Đảng được thành lập ở nhiều nơi như Hòa Lạc, Dẫn Tự, Vũ Di, Thượng Trưng, Thọ Trưng, Phú Trưng, Bích Đại, Bạch Hạc, Chợ Cầu Hạc… Khu ủy D, Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên đã quyết định thành lập Phủ ủy Vĩnh Tường và các tổng ủy để từng bước củng cố hệ thống tổ chức của Đảng. Tháng 4/1941, tại Thượng Trưng, đại diện khu ủy D và Ban cán sự tỉnh đã công bố Quyết định thành lập Phủ ủy Vĩnh Tường (tương đương cấp huyện) và 2 tổng ủy Thượng Trưng, Đồng Phủ (tổng gồm 1 số xã). Ban Phủ ủy có 5 đồng chí do đồng chí Nguyễn Tráng (ủy viên ban cán sự tỉnh) làm bí thư. Đồng chí Nguyễn Hành, Ủy viên Ban Phủ ủy làm Bí thư Tổng ủy Đồng Phú; đồng chí Nguyễn Văn Khé, Ủy viên Ban Phủ ủy làm Bí thư Tổng ủy Thượng Trưng.
Đánh giá ý nghĩa của sự kiện này, cuốn “lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Tường (1930-2017) xuất bản năm 2018 viết: “Đây là huyện đầu tiên trong tỉnh và các tỉnh của khu D có tổ chức Đảng từ huyện đến xã. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt tổ chức xây dựng Đảng; có thể coi Phủ ủy là Huyện ủy lâm thời của Vĩnh Tường thời kỳ này…”.
Đổi mới về kinh tế - xã hội
Tháng 4/1956, Ban Nông nghiệp Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cùng lãnh đạo huyện Vĩnh Tường chọn xóm Xuôi xã Chấn Hưng của Vĩnh Tường làm thí điểm xây dựng 1 HTX Nông nghiệp bậc thấp. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, có 14 hộ gia đình, gồm 53 nhân khẩu, 25 lao động chính đã tình nguyện vào HTX. Qua 2 vụ sản xuất, Ban chỉ đạo cùng lãnh đạo HTX xóm Xuôi đã tổng kết rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu về điều hành sản xuất tập thể, về phân phối sản phẩm, về vai trò chi bộ Đảng đối với HTX; về mối quan hệ giữa HTX với chính quyền và tổ chức Đảng ở cơ sở…
Từ kinh nghiệm của xóm Xuôi, tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời chấn chỉnh và đổi mới nhiều khâu trong quy trình xây dựng HTX ở các địa phương sau này. Bởi thế chỉ 2 năm sau, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những điển hình tiên tiến trong phong trào Hợp tác hóa, làm ăn tập thể; trong đó phải nêu gương HTX Lai Sơn (xã Cộng Hòa-Tam Dương) nay thuộc phường Đồng Tâm-Thành phố Vĩnh Yên đã được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngày 30/3/1958.
Sau này, khi phong trào Hợp tác hóa phát triển mạnh, Vĩnh Tường đã sản sinh ra nhiều HTX nông nghiệp điển hình tiên tiến như HTX Lạc Trung (xã Bình Dương) là điển hình toàn miền Bắc trồng cây giỏi được Bác Hồ về thăm ngày 25/1/1961. Tại Bình Dương, Bác sau khi thăm một số gia đình và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, Bác nói chuyện với đông đảo bà con xã viên, Bác nói giản dị: “Chủ nghĩa xã hội là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ. Muốn làm nhà thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải hăng hái trồng cây. Mọi người cố gắng trồng nhiều cây thì trong sáu, bảy năm nữa, cả làng sẽ có đủ cây để làm nhà mới…”
Năm 1966, HTX nông nghiệp thôn Thượng xã Tuân Chính được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chọn làm nơi thí điểm khoán hộ trong trồng lúa. Từ kinh nghiệm của HTX Thôn Thượng, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nghiên cứu một số HTX khác như Đại Đồng (Vĩnh Tường); Đồng Xuân (Lập Thạch), Văn Quán (Yên Lãng)… sau đó ra nghị quyết “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong HTX hiện nay” (Nghị quyết số 68). Sau này HTX Thôn Thượng lại trở thành HTX có năng suất vào loại cao nhất tỉnh (đạt trên 7 tấn/ha/năm – là năng suất cao nhất thời bấy giờ). Do đó, ngày 2/3/1966 HTX Thôn Thượng được Bác Hồ gửi thư khen có đoạn viết: “Trong mấy năm qua, Thôn Thượng đã cố gắng xây dựng tốt HTX, áp dụng kinh nghiệm sản xuất tiên tiến cho nên đã đạt được năng suất lúa khá cao…”. Đến năm 1985, HTX Tứ Trưng trở thành điển hình tiên tiến toàn diện không chỉ của Vĩnh Tường mà của cả tỉnh Vĩnh Phú, do đó HTX Tứ Trưng được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Như thế, có thể thấy từ thí điểm xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp ở xóm Xuôi của Vĩnh Tường năm 1956, đến thôn Thượng là cái nôi sự ra đời của khoán hộ năm 1966, rồi HTX nông nghiệp Tứ Trưng được phong Anh hùng lao động năm 1985, là cả chặng đường dài gần 30 năm với bao nhọc nhằn, mồ hôi nước mắt của nhiều thế hệ công dân Vĩnh Tường để xây đắp nên một tượng đài vinh quang như ngày nay.
Như đã có truyền thống làm thí điểm, ngày 15/12/2016, Huyện ủy Vĩnh Tường đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU “Về dồn thửa đổi ruộng giai đoạn 2016-2020” theo Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy. Như vậy, Vĩnh Tường lại là huyện đầu tiên của tỉnh làm thí điểm về dồn thửa, đổi ruộng. Vĩnh Tường đã chọn 2 xã là Ngũ Kiên và Cao Đại để làm thí điểm. Mục đích của dồn thửa đổi ruộng (DTĐR) là tập trung tích tụ ruộng đất hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế về đất đai; khí hậu của huyện, thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Phấn đấu sau khi hoàn thành, mỗi hộ gia đình nông dân chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng. Đến năm 2020 có 100% các xã, thị trấn hoàn thành DTĐR.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết về DTĐR, tại 2 xã làm thí điểm đã hoàn thành 100% kế hoạch. Xã Cao Đại DTĐR cho 1.034 hộ với diện tích 157,1 ha. Số thửa bình quân trước DTĐR là 7,2 thửa/hộ, nay chỉ còn 1,76 thửa/hộ. Xã Ngũ Kiên DTĐR cho 1.405 hộ với diện tích 229,6 ha. Số thửa bình quân trước DTĐR là 5,6 thửa một hộ, nay còn 1,65 thửa/hộ.
Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về DTĐR, Ban chỉ đạo huyện đánh giá: “Thành công từ việc DTĐR giúp các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân…”.
Sau Ngũ Kiên và Cao Đại làm thí điểm DTĐR, một số xã cũng làm theo và đạt kết quả tốt như ở Vũ Di, Tuân Chính, Vĩnh Thịnh… Rõ ràng là chủ trương DTĐR của huyện Vĩnh Tường tuy chỉ làm thí điểm ở 2 xã, nhưng thực tế là một cuộc cách mạng đổi mới căn bản phương pháp quản lý đất đai, quy hoạch một cách khoa học các vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn, tạo tiền đề để nông nghiệp Vĩnh Tường bước sang giai đoạn mới, canh tác, thu hoạch chủ yếu bằng cơ giới hóa, năng suất nâng lên rõ rệt. Đó là điểm nhấn quan trọng về nông nghiệp của Vĩnh Tường trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Huyện đầu tiên xây dựng đền liệt sỹ
Trong các nhiệm kỳ, Đảng bộ Vĩnh Tường không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gần 22 vạn công dân mà Đảng bộ luôn đau đáu một nỗi niềm tưởng nhớ ghi ơn những người con ưu tú của huyện đã vì nghĩa lớn mà hy sinh trên khắp các chiến trường trong nước và Quốc tế.
Để quy tụ hồn thiêng, phụng thờ, tỏ lòng tôn kính, tri ân các anh hùng liệt sỹ và các bậc tiền nhân là người Vĩnh Tường đã có công với nước, năm 2010, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vĩnh Tường đã quyết định xây dựng đến liệt sỹ huyện. Năm 2015, công trình được hoàn thành đúng dịp Chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV và Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sỹ. Đây là công trình xây dựng bằng vốn xã hội hóa là chủ yếu và cũng là công trình đền liệt sỹ cấp huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc, có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Vĩnh Tường hôm nay và mai sau.