“Bóc” trách nhiệm và nguyên nhân các tồn đọng trong vi phạm trật tự xây dựng
Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn thành phố diễn ra sáng nay 25/3, nhiều đại biểu yêu cầu làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu; thời gian xử lý dứt điểm vi phạm… Các nguyên nhân cụ thể cũng đã được chỉ rõ trong phiên giải trình.
Chính quyền thừa nhận chưa đôn đốc, quản lý nghiêm
Đặt câu hỏi tạo phiên giải trình, các đại biểu ghi nhận sự vào cuộc tích cực của thành phố trong công tác xử lý vi phạm TTXD. Tuy nhiên, theo các đại biểu, vẫn còn tồn tại các công trình xây dựng sai phép, gây thiệt hại chung cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền. Điển hình như công trình tại ngõ 61, phố Bằng Liệt; công trình số 3B ở phường Quỳnh Lôi; công trình số 107 phố Thanh Nhàn (phường Quỳnh Lôi); công trình số 11B phố Nguyễn Xiển (Phường Hạ Đình)…
Tại các huyện ngoại thành, nhiều công trình xây dựng trên đất nông nghiêp, khu vực nông thôn ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ như tại khu vực bãi sông Đáy huyện Hoài Đức. Theo đại biểu Hồ Vân Nga, vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp còn khá nhiều. Dù Sở Xây dựng đã thanh tra và có kết luận với 30 quận, huyện, chỉ ra nguyên nhân do buông lỏng quản lý, nhiều trường hợp vi phạm chưa được lập hồ sơ xử lý.
Theo các đại biểu, một nguyên nhân là do địa phương chưa kiên quyết, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm TTXD. Cần làm rõ vấn đề trách nhiệm và có giải pháp cụ thể với tình trạng này. Về các vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm, không rõ ràng giữa cán bộ quản lý trật tự xây dựng và cán bộ phòng TN&MT, dẫn đến công tác xử lý không rõ ràng, kịp thời, triệt để.
Vì vậy, các đại biểu đề nghị lãnh đạo các quận, phường, cho biết trách nhiệm của mình khi chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm TTXD trên địa bàn? Đồng thời làm rõ nguyên nhân tại sao đến nay các công trình vi phạm này chưa được xử lý theo đúng chỉ đạo, cũng như lộ trình đến bao giờ thì được xử lý dứt điểm?
Giải trình về các công trình vi phạm trên địa bàn phường, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Trần Huy Hoàng nhận trách nhiệm trong việc chưa đôn đốc, phân công công việc hợp lý, chính vì vậy đã để xảy ra những vi phạm như các đại biểu đã nêu. Ông Hoàng cho biết, hiện các công trình sai phạm đã có quyết định xử phạt và cưỡng chế, các chủ nhà có đơn đề nghị tự nguyện phá dỡ. Hiện nay 2 hộ gia đình đang tháo dỡ theo quy định, đảm bảo kế hoạch.
Chủ tịch UBND xã Đồng Quang Vũ Hồng Toàn (huyện Quốc Oai) cũng nhận trách nhiệm đối với việc xử lý các vi phạm chậm. Trong tháng 6 tới sẽ thực hiện tháo dỡ xong những công trình vi phạm được các đại biểu "bêu" tên.
Với cương vị là người đứng đầu huyện Quốc Oai, Chủ tịch UBND huyện Đỗ Huy Chiến nhận trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn. Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết huyện đã rà soát toàn bộ các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất công. Trong thời gian tới sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng, cương quyết ngăn chặn những trường hợp phát sinh. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã phát sinh 7 công trình trên các trường hợp vi phạm cũ do người dân vẫn tiếp tục hoàn thiện các công trình vi phạm. HĐND TP đã chỉ ra 4 công trình vi phạm đều là những công trình xã đã ra quyết định cưỡng chế.
Giải trình của nhiều lãnh đạo cũng cho thấy, một vài công trình vi phạm cũng đã được chính quyền địa phương quan tâm, xử lý. Chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai Nguyễn Thị Oanh cho biết, UBND phường cũng đã phối hợp với tổ thanh tra địa bàn lập biên bản và Chủ tịch UBND phường đã ban hành quyết định đình chỉ công trình vi phạm tại 3B phố Thanh Nhàn. “Song sau khi xem xét phần vi phạm của chủ đầu tư (CĐT), chúng tôi đã làm tốt tuyên truyền, chủ đầu tư đã tự giác khắc phục vi phạm được diện tích 36,7m2 trên tầng 5. Với diện tích còn lại, UBMTTQ phường, địa bàn dân cư, chi bộ, tổ dân phố đều có văn bản kiến nghị UBND phường xem xét và UBND phường nhận thấy: Đây là CĐT vi phạm trong quá trình cải tạo chỉnh trang mặt bằng để ổn định cuộc sống, và CĐT cũng đã khắc phục một phần vi phạm. UBND phường đã có kiến nghị với UBND quận Hai Bà Trưng, Phòng Quản lý đô thị quận và các cơ quan chức năng xem xét cho công trình giữ nguyên hiện trạng cho đến khi chỉnh trang đô thị theo quy hoạch của TP” – bà Oanh thông tin.
Cũng theo bà Oanh, năm 2016, quận ủy cũng đã chỉ đạo Đảng ủy phường kiểm điểm thật sâu trong việc buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm này. UBND quận đã có thanh tra kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường trong việc để xảy ra vi phạm. “Bản thân tôi năm đó đã kiểm điểm sâu; đơn vị và cá nhân tôi không được xem xét thi đua. Năm 2017-2018 trên địa bàn phường không để xảy ra trường hợp nào xây dựng sai phép, không phép” – bà Oanh nói.
Đôn đốc trách nhiệm của đội quản lý TTXD
Cũng tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, từ khi TP được thí điểm theo Quyết định 100, đến nay mọi văn bản đều khẳng định trách nhiệm về quản lý TTXD-ĐT và xử lý các công trình vi phạm sai phép, không phép trước hết thuộc về Thanh tra Sở Xây dựng, các đội quản lý TTXD quận huyện thị xã, UBND các phường, xã, thị trấn.
“Với những tồn tại đã nêu, trước hết thuộc trách nhiệm của Đội quản lý TTXD các quận huyện, Thanh tra Sở Xây dựng và UBND các xã, phường, thị trấn. Về vấn đề này, chúng tôi kiến nghị UBND TP, Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình cũng như việc tự kiểm tra, thanh tra của Thanh tra Sở, các quận, huyện” – ông Trần Huy Sáng nêu và cho biết, tới đây, đoàn thanh tra công vụ cũng sẽ tiếp tục tập trung thanh, kiểm tra công vụ với các vụ việc tồn tại được dư luận báo chí quan tâm; đôn đốc kiểm tra các đơn vị liên quan trong thực hiện nghiêm Kế hoạch số 143 ngày 27/7/2016 của UBND TP về thực hiện Chỉ thị 08 của TP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo TTXD-VMĐT trên địa bàn TP.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cũng nhận trách nhiệm của Sở trong việc để các công trình vi phạm TTXD tồn đọng nhiều năm qua. Theo ông Lê Văn Dục, có phần nguyên nhân do sau khi bàn giao lực lượng 1.580 người về các quận, huyện, Sở chỉ còn 78 đơn vị, với địa bàn quản lý rất rộng. "Dù vậy, trong tháng 3/2019 chúng tôi sẽ vừa kiểm tra đôn đốc hướng dẫn việc thực hiện, cùng các Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Tài nguyên -Môi trường trong từng nhóm vấn đề giải quyết. Nếu vượt thẩm quyền sẽ mạnh dạn đề xuất chứ không để vi phạm tiếp tục “treo”; sẽ đôn đốc tiến độ để hoàn thành giải quyết với 80 trường hợp tồn đọng này. Hiện chúng tôi với trách nhiệm của mình đã hoàn thành với 16 quận, huyện", ông Dục khẳng định.