Bộ TTTT: Báo chí được phép ra vào khu vực bị cách ly để thực hiện nhiệm vụ cần thiết
Đưa tin giả về dịch Covid-19: Thanh tra Bộ TTTT vào cuộc xử lý Làm gì để không gây hoang mang, hiểu lầm về virus corona trên MXH? |
Trong công văn số 1268/BTTTT-VP về việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực thông tin và truyền thông gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương nêu rõ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn và kiểm soát không cho dịch bệnh lây lan. Bước đầu, nước ta đã giành được một số kết quả tích cực. Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ những ngày đầu cả nước chung tay phòng, chống dịch, Bộ TTTT đã sớm triển khai nhiều giải pháp cụ thể, hữu hiệu trên cả 6 lĩnh vực quản lý của Bộ để góp phần ngăn chặn và hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Phóng viên VTC 14 tác nghiệp trong Bệnh viện Bạch Mai (nguồn congluan.vn) |
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng ngày càng lớn của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội của nước ta, của doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực TTTT cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ và hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp, đơn vị trong Ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời vẫn duy trì được các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hooij, Bộ TT&TT trân trọng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, hỗ trợ:
Trước hết là cho phép các lực lượng kỹ thuật của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực TTTT (bưu chính, viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghiệp ICT, phát thanh, truyền hình, báo chí…) được tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, được phép di chuyển trong địa bàn tỉnh, thành phố để thực hiện nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, đặc biệt là các trường hợp cần thiết phải ra/vào khu vực bị cách ly, phong tỏa để ứng cứu sự cố về hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc; được phép chủ động bố trí nhân lực một cách hợp lý và đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch theo quy định;
Có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng và sử dụng hạ tầng kỹ thuật liên ngành để các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng viễn thông thụ động (nhà trạm viễn thông, cột ăng ten, cống bể ống cáp viễn thông); có chính sách hỗ trợ, cho phép doanh nghiệp viễn thông được phép lắp đặt cột ăng ten và trạm viễn thông trên các công trình công, trụ sở công, đất công;
Có chính sách hỗ trợ cụ thể như: giảm giá cho thuê trụ sở, hạ tầng, mặt bằng trên địa bàn tỉnh, thành phố để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, công nghệ số thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo việc duy trì, vận hành thông suốt hạ tầng công nghệ số (các trung tâm dữ liệu, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin); đồng thời chỉ đạo các Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung có chính sách giảm giá thuê đất, thuê mặt bằng, kho bãi, trụ sở cho các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động trong các loại hình khu nói trên;
Quan tâm, ưu tiên, bổ sung kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ từ nguồn ngân sách địa phương cho các đơn vị trong lĩnh vực TTTT đặc biệt là các cơ quan báo chí, các đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, cơ sở truyền thanh – truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã để làm tốt công tác thông tin tuyên tuyền trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ TTTT cũng khẳng định vai trò đồng hành tích cực của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc phối hợp triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin và truyền thông để cùng đẩy lùi dịch Covid-19.