Cuộc gọi định danh - "đòn đau" cho kẻ lừa đảo

Số máy lạ, yêu cầu người nghe những điều lạ lùng như cung cấp số căn cước công dân cùng nhiều thông tin khác... là những thủ đoạn mà các đối tượng xấu thường sử dụng nhằm chiếm đoạt tài sản. Mặc dù đã cảnh báo nhiều lần, nhưng vẫn có người dân bị "mắc bẫy". Trước thực trạng trên, hiển thị định danh cuộc gọi là giải pháp để hạn chế lừa đảo qua mạng.
Người già dễ bị lừa đảo qua mạng Người phụ nữ ở Hà Nội mất 400 triệu đồng vì Facebook của con gái bị "hack" Công an Hà Nội cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bằng mã QR

Những cuộc điện thoại giả danh

Thời gian qua, nhiều người dân nhận được cuộc gọi xưng là cơ quan công an hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm định danh hoặc làm nhân viên của các siêu thị điện máy lớn... thực chất là để khai thác lấy thông tin cá nhân của người nghe.

Chưa thể thống kê con số đầy đủ có bao nhiêu người dân đã và đang bị làm phiền từ những cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo như vậy.

Thực tế đã có rất nhiều người bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ những cuộc gọi mạo danh.

Theo các chuyên gia về an toàn thông tin, đây là chiêu thức mới, đối tượng sẽ đóng giả làm cơ quan chức năng, qua trao đổi để thu thập thông tin cá nhân sau đó dùng thông tin này để tạo ra những thông tin giả mạo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), sự nguy hiểm của việc sử dụng thông tin trên căn cước công dân đăng ký mã số thuế ảo, vay tiền từ các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội và lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất nghiêm trọng.

Hiện thị định danh để nhắn thông báo cho người dân
Hiện thị định danh để nhắn thông báo cho người dân

Cục An toàn thông tin đưa ra những cảnh báo tới người dân về việc tiết lộ thông tin cá nhân trong các trường hợp như: Sử dụng thông tin trên Căn cước công dân (chứng minh Nhân dân) để đăng ký mã số thuế ảo hoặc cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh Nhân dân, ngày sinh, địa chỉ trên mạng xã hội có thể rất nguy hiểm. Kẻ gian có thể lợi dụng thông tin này để thực hiện các hoạt động lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, trên mạng xã hội, có rất nhiều hình thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng các chiêu thức như làm quen, tạo dựng lòng tin và yêu cầu chuyển khoản tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân.

Theo đó, người dân cần cẩn trọng với các tin nhắn, cuộc gọi hoặc thông tin từ người không rõ danh tính.

Để phòng ngừa các nguy cơ trên, Cục An toàn thông tin cho biết, người dân cần áp dụng các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, không tiết lộ thông tin cá nhân quan trọng như số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai trên mạng xã hội hay qua các tin nhắn không xác định nguồn gốc.

Định danh cuộc gọi hạn chế tình trạng giả mạo

Nhằm giải quyết tình trạng các đối tượng thực hiện cuộc gọi mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều giải pháp.

Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng gắn tên định danh cho các số điện thoại có tương tác với người dân là một giải pháp góp phần giải quyết tình trạng các đối tượng thực hiện cuộc gọi mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Kể từ ngày 27/10, tất cả số điện thoại gọi đến người dân từ các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gồm Văn phòng Bộ, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”.

Các cuộc gọi của các doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đã hiển thị tên định danh của doanh nghiệp. Ví dụ như, tên định danh VIETTELCSKH của nhà mạng Viettel; VinaPhone của nhà mạng VinaPhone…

Biện pháp này sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục mở rộng trong thời gian tới và mở rộng ra các bộ, ngành khác như Công an, Tòa án, Ngân hàng...

Định danh của Bộ Thông tin và Truyền thông
Định danh của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm; Theo dõi, giám sát và chuyển nhà mạng xử lý các phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656, 156; Chỉ đạo các nhà mạng thường xuyên, chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác; tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo...

Đặc biệt, thực thi quy định quảng cáo chính danh, trong các tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp gần 3.700 tên định danh cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại…

Dẫu vậy, tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có thêm các giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lừa đảo trên mạng và trên nhất vẫn cần ý thức cảnh giác từ mỗi người dân.

Hoa Thành
Phiên bản di động