Bộ TN&MT nói gì về gần 900.000 tấn chất thải tồn tại Formosa Hà Tĩnh
Xây dựng hạ tầng nghề cá từ tiền bồi thường của Formosa Hà Tĩnh |
Bộ chưa nhận được kiến nghị của Công an Hà Tĩnh
Bộ TN&MT cho hay đến nay chưa nhận được văn bản kiến nghị từ Công an Hà Tĩnh đề nghị kiểm tra, xử lý gần 900.000 tấn phế thải tồn đọng tại FHS. Tuy nhiên, Bộ đã giao Tổng cục Môi trường tăng cường giám sát chặt chẽ hơn hoạt động bảo vệ môi trường tại FHS.
Bộ TN&MT khẳng định từ tháng 7/2016 đến nay Bộ đã tổ chức nhiều đoàn giám sát, kiểm tra và yêu cầu FHS khắc phục công nghệ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện chất thải rắn, khí thải và nước thải từ FHS đã được Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) giám sát 24/24 trên hệ thống quan trắc tự động và qua kiểm tra liên tục theo định kỳ và đột xuất.
Đến nay, FHS đã bổ sung các hạng mục xử lý, giám sát chất thải theo yêu cầu của bộ nà. Đồng thời áp dụng công nghệ của Nhật Bản trong làm nguội cốc khô (đã vận hành thử từ tháng 3/2019, dự kiến vận hành chính thức từ tháng 6/2019)
“Kết quả giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ tháng 7/2016 đến nay cho thấy nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra ngoài môi trường luôn đạt QCVN cho phép”, Bộ TN&MT khẳng định.
Nhà máy Formosa Hà Tĩnh. Ảnh PLO |
Theo Bộ TN&MT, FHS đã nghiên cứu, đề xuất nhiều phương án tái chế, tái sử dụng các loại chất thải rắn phát sinh như sử dụng xỉ thép đã hợp chuẩn làm đường giao thông, sử dụng vào công trình vành đai cây xanh. Đặc biệt là việc FHS đề xuất thay đổi phương án xử lý chất thải rắn từ chôn lấp tại bãi chôn lấp lấn biển sang phương án tái chế, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cũng đã được Bộ chấp thuận.
Đồng thời, Bộ TN&MT khẳng định đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh và các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải, quản lý chất thải rắn của FHS, đảm bảo các loại chất thải trước khi xả ra ngoài môi trường phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về môi trường theo quy định; đôn đốc FHS khẩn trương hoàn thành các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Chất thải của FHS được xử lý thế nào?
Bộ TN&MT khẳng định các loại chất thải rắn của FHS từ khi vận hành lò cao số 1 đến nay đều được quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trong đó có xỉ hạt lò cao phát sinh khoảng 5.300 tấn/ngày đã được hợp quy là sản phẩm để sản xuất xi măng, đang được bán cho các nhà máy xi măng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài (đã chuyển giao 2.811.600 tấn, hiện tồn kho là 21.500 tấn);
Tro bay nhà máy điện phát sinh khoảng 200 tấn/ngày đã được hợp quy là sản phẩm dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng (đã chuyển giao 190.600 tấn, hiện tồn kho là 60.600 tấn);
Thạch cao nhà máy điện phát sinh khoảng 90 tấn/ngày đã được hợp chuẩn là sản phẩm để sản xuất xi măng (đã chuyển giao 59.700 tấn, hiện tồn kho là 1.300 tấn);
Tro đáy nhà máy điện phát sinh khoảng 15 tấn/ngày đã được hợp chuẩn là sản phẩm phụ gia khoáng cho xi măng, hiện đang lưu giữ an toàn tại bồn chứa tro đáy và kho than của nhà máy điện.
Đối với một số loại xỉ thép (gồm: xỉ lò chuyển, xỉ đúc, xỉ khử lưu huỳnh) phát sinh khoảng 2.500 tấn/ngày, hiện Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn FHS hợp chuẩn loại xỉ thép này làm sản phẩm phụ gia xi măng, vật liệu cấp phối cho đường giao thông và vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng, giao thông.
Tổng khối lượng đã phát sinh là 1.141.800 tấn, đã sử dụng trong công trình đường giao thông và vành đai cây xanh trong nội bộ nhà máy là 238.000 tấn, chuyển giao cho các nhà máy xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng là 21.600 tấn, hiện đang tồn 881.400 tấn được lưu giữ an toàn tại 03 bãi chứa xỉ thép trên bờ.
Đối với nhóm chất thải có hàm lượng sắt cao có thể tự tái chế, tái sử dụng nội bộ hoặc chuyển giao cho các cở sở để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất: Chủ yếu là bụi thu hồi từ các xưởng sản xuất, bùn lò chuyển, gang xỉ, thép xỉ, bột từ.
Riêng đối với 1.334 tấn bùn cán nóng (thành phần chủ yếu là vảy cán) và 28.737 tấn bùn bụi phối trộn do có hàm lượng tổng dầu cao chưa được phép tái sử dụng, FHS đang lưu giữ an toàn trong thời gian chờ hoàn thành lắp đặt bổ sung thiết bị xử lý khí thải SO2, NOx và Dioxin/Furan tại 02 máy thiêu kết.
Đối với bùn bánh lò cao phát sinh khoảng 150 tấn/ngày, Bộ đã yêu cầu FHS lưu giữ an toàn và xây dựng phương án tái sử dụng chất thải này nhằm thu hồi các thành phần có ích nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về môi trường.
Còn lại rác sinh hoạt phát sinh khoảng 01 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp thông thường (bùn thải trạm XLNT sinh hoạt, bùn thải trạm XLNT công nghiệp, gỗ thải, nilong thải, chất thải xây dựng,…) phát sinh khoảng 12 tấn/ngày và chất thải nguy hại (bùn thải trạm XLNT sinh hóa, nước thải súc rửa đường ống, dầu thải,…) phát sinh khoảng 20 tấn/ngày được FHS lưu giữ an toàn trong khu liên hợp trước khi chuyển giao cho các đơn vị chức năng tại tỉnh Hà Tĩnh xử lý theo quy định.