Bộ Tài chính “chốt” đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Trong hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính vẫn đưa ra 2 phương án tăng thuế với rượu, bia.
Ngành bia lo chịu tác động tiêu cực nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt Doanh nghiệp bia “méo mặt” vì nỗi lo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Giữ đề xuất đánh thuế với rượu, bia tới 100%

Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Theo đó, Bộ Tài chính vẫn đưa ra hai phương án tăng thuế với rượu, bia. Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60% hoặc 70% trong giai đoạn 2026-2030.

Tương tự, đối với mặt hàng bia, quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

Cụ thể, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.

Bộ Tài chính “chốt” đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia
Việc đánh thuế cần tuân thủ nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất thì mới có cơ sở để nộp thuế.

Còn phương án 2 là tăng từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030. Bộ Tài chính nghiêng về phương án này.

Theo Bộ Tài chính, các Bộ: Y tế, Nội vụ, Công an và nhiều địa phương (Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Phú Yên...), WHO và các tổ chức bảo vệ sức khỏe nhất trí theo phương án 2.

Trong khi đó, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và các doanh nghiệp bia, rượu đề nghị xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng. Đặc biệt, riêng Công ty bia Heineken Việt Nam, Liên minh Các doanh nghiệp rượu quốc tế tại Châu Á đề nghị cân nhắc áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối theo nồng độ cồn đối với sản phẩm bia.

Còn Bộ Tài chính cũng nghiêng theo phương án 2 bởi nhiều ưu điểm. Theo phương án 2, giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.

Cần lộ trình tăng thuế phù hợp

Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khoẻ người dân, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khoẻ như rượu bia.

Bộ Tài chính “chốt” đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia
Hàng năm, ngành đồ uống đóng góp cho ngân sách tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự thảo hiện đề xuất mức tăng thuế rất mạnh và tốc độ tăng thuế rất nhanh đối với các mặt hàng này. Việc tăng thuế quá nhanh và mạnh này sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế. Điều này sẽ dẫn đến nhiều dự án đầu tư gặp thua lỗ, không thể thu hồi được vốn.

Thêm vào đó, sự sụt giảm sản lượng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu bia.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế đối với rượu bia phù hợp hơn với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên lựa chọn phương án 1 với tốc độ tăng thuế ổn định hơn.

Với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn trong dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, đây là cú tăng “sốc” lớn nhất chưa từng có trong lịch sử đối với ngành rượu bia, đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với các khó khăn chồng chất.

Đại diện VBA mong muốn Ban soạn thảo và các cơ quan quản lý Nhà nước tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là bài học từ các quốc gia láng giềng có điều kiện hoàn cảnh gần với Việt Nam như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan... để có chính sách thuế phù hợp.

Như tại Malaysia, đất nước này đã từng trải qua cú sốc thuế vào giai đoạn năm 2014 - 2015 khi quốc gia này liên tiếp tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tăng thuế cao và đột ngột như ở Malaysia đã không hỗ trợ Chính phủ đạt được mục tiêu của họ, thay vào đó, đã tạo ra các hiệu ứng domino tiêu cực trên thị trường, làm mất nguồn thu của Chính phủ, nhiều nhà máy phải đóng cửa, nhiều người bị mất việc làm.

Cũng theo VBA, bên cạnh giải pháp về thuế, cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Văn bản của VBA cho rằng, việc đánh thuế cần tuân thủ nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất thì mới có cơ sở để nộp thuế. Việc tăng thuế cao quá mức sẽ tạo ra các cú sốc về thuế và điều này gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như thất thu thuế của Chính phủ, đóng cửa các nhà máy sản xuất và gia tăng thất nghiệp của lao động trong ngành.

Bên cạnh đó, việc đề xuất tăng thuế theo khuyến nghị của WHO mà chưa tính toán kỹ lưỡng tới các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam với một mục tiêu chung chung là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chưa có các báo cáo đánh giá hiệu quả của những lần tăng thuế trước đối với việc có đạt được các mục tiêu đề ra hay không, đề xuất mới có cơ sở khoa học như thế nào, đã có đầy đủ các báo cáo đánh giá tác động toàn diện (kinh tế - xã hội – ngân sách) hay chưa cũng đang gây nhiều băn khoăn, lo lắng và nhiều ý kiến phản biện trái chiều.

Hậu Lộc
Phiên bản di động