Bộ Công thương hỏa tốc đề nghị doanh nghiệp không mua gom ồ ạt lúa gạo

Các doanh nghiệp tránh mua gom lúa gạo ồ ạt, gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá trong nước tăng bất hợp lý.
"Nóng" chuyện xuất khẩu gạo Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá lương thực toàn cầu có thể tăng cao Bộ Công thương khuyến nghị doanh nghiệp về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ

Bộ Công thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo.

Theo Bộ Công thương, tình hình thị trường thóc, gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá.

Do đó, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.

Theo đó, Bộ Công thương đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Công thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng thóc gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Đồng thời, các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Bộ Công thương hỏa tốc đề nghị doanh nghiệp không mua gom ồ ạt lúa gạo
Ảnh minh họa

Bộ Công thương cũng lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá trong nước tăng bất hợp lý.

Tại cuộc họp sáng 4/8 về công tác điều hành xuất khẩu, ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong quý I/2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao, dao động khoảng 450 USD/tấn, có thời điểm vượt qua giá gạo Thái Lan cùng chủng loại.

Sang quý II/2023, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại, giá gạo tiếp tục theo đà tăng của giá gạo thế giới.

Ở thị trường trong nước, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023 (lệnh cấm có hiệu lực).

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá, tình hình sản xuất và thương mại lương thực toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố, tình hình địa chính trị, địa kinh tế trong khu vực và thế giới. Giá gạo toàn cầu đã tăng mạnh, đạt mức giá cao nhất trong 11 năm qua, mang lại những cơ hội và thách thức đan xen cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của Việt Nam.

"Việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động