Bộ Công an tiếp tục tìm bị hại vụ án Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình, thu hồi tài sản như thế nào? Một loạt công ty liên quan đến Vạn Thịnh Phát bị phạt về trái phiếu |
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức có liên quan (giai đoạn 2).
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại TP HCM, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu mã: ADC-2018.09, ADC- 2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt.
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định những trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu do 4 công ty phát hành nêu trên tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự là bị hại của vụ án và đã ủy thác cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh/thành phố theo địa chỉ của trái chủ trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng trái phiếu tiếp nhận thông tin, lấy lời khai bị hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Dân Trí. |
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã nhận được phần lớn kết quả ủy thác của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh/thành phố, đã xác định rõ thông tin từng cá nhân và thu thập đầy đủ ý kiến của người bị hại; tuy nhiên, còn nhiều người không hợp tác hoặc đã chuyển nơi cư trú, không đến trình báo.
Để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề nghị người bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu mã: ADC- 2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 do 4 công ty nêu trên phát hành, khẩn trương đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh/thành phố (nơi người bị hại cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu) phối hợp làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị theo mẫu do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Nếu người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an không có căn cứ để xem xét, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.
Trước đó, vào giữa tháng 4/2024, sau hơn 1 tháng xét xử, TAND TP HCM đã chính thức tuyên án sơ thẩm đối với các bị cáo trong đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Bên cạnh đó, tòa buộc bà Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến giữa tháng 10/2022, tương đương số tiền hơn 673.800 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo phải chịu hơn 673 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Ngoài bị cáo Lan, toà tuyên 3 án chung thân về tội tham ô tài sản cho các bị cáo Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) và Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch Ngân hàng SCB).
Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục II - Ngân hàng Nhà nước) mức án tù chung thân về tội nhận hối lộ.
Toà cũng tuyên tịch thu số tiền 4,8 triệu USD mà bà Đỗ Thị Nhàn đã nộp, đồng thời buộc bị cáo phải nộp thêm số tiền tương đương 400.000 USD để sung ngân sách. Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng buộc bị cáo Nhàn nộp phạt hình phạt bổ sung là 100 triệu đồng.
Được biết, đối với số tiền mà các bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả, Hội đồng xét xử tuyên chuyển cho Ngân hàng SCB. Ngoài ra, toà buộc các bị cáo được bà Lan cho, thưởng phải nộp lại số tiền, đồ vật, cổ phiếu... để đảm bảo nghĩa vụ của bà Lan.
Đồng thời, Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục kê biên, tạm giữ các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu, hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, những người liên quan khác, để đảm bảo thi hành án...
Với các tài sản, khoản tiền để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án (bao gồm vụ án này và các vụ án của giai đoạn hai) sẽ ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu (khoảng hơn 30.000 người dân).