Bộ Công an: Asanzo là vụ việc phức tạp!

Đại diện Bộ Công an đánh giá vụ việc liên quan đến Tập đoàn Asanzo khá phức tạp, nhiều bộ ngành đang xác minh, làm rõ. 
Sharp Việt Nam 'dọa' kiện, Asanzo lên tiếng Asanzo tự tuyên bố "được minh oan", chính thức hoạt động trở lại

Liên quan đến vụ việc Tập đoàn Asanzo, chiều 2/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Công an đã thông tin thêm.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô, Asanzo là vụ việc phức tạp, liên quan đến Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường và công nghệ… để xác định có sai phạm hay không có sai phạm.

"Bộ Công an đã chỉ đạo điều tra phối hợp với các bộ, ban, ngành xác minh làm rõ vụ việc Tập đoàn Asanzo", ông Xô nói.

Trước đó, ngày 17/9, Tập đoàn Asanzo đã tổ chức buổi họp báo 60 phút nhằm thông tin liên quan đến cáo buộc gian lận xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, Tập đoàn Asanzo cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương giao Tổng cục Quản lý thị trường, là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường vào cuộc, trong đó có kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá. Theo quy định, xuất xứ hàng hoá là một trong những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng.Tại cuộc họp báo, đại diện Asanzo cho biết, sau khi xuất hiện cáo buộc Asanzo giả xuất xứ hàng hoá, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính… khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh.

Ngày 1/8/2019, Tổng cục Quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại diện Asanzo cũng cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là tổ chức được giao chức năng cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/0) cũng đã thành lập Tổ công tác để xác minh vấn đề ghi xuất xứ hàng hoá của Asanzo.

Sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hoá, đối chiếu với thực tế sản xuất của doanh nghiệp, Tổ công tác của VCCI đã kết luận các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.

Ngoài ra, theo chỉ đạo từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã cử Cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành kiểm tra đối với Asanzo. Theo đại diện doanh nghiệp, đến thời điểm này, Cục Kiểm tra sau thông quan là đoàn kiểm tra duy nhất của ngành hải quan có thực hiện việc kiểm tra tại Asanzo.

Sau khi kiểm tra tài liệu xuất nhập khẩu hàng hoá, đối chiếu hồ sơ chứng từ, tiếp nhận giải trình của doanh nghiệp. Ngày 15/8, Cục Kiểm tra sau thông quan đã kết luận chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với Asanzo.

"Như vậy, kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan chính là kết luận kiểm tra của ngành hải quan đối với Asanzo và kết luận này cho thấy, Asanzo không sai phạm vể xuất nhập khẩu", đại diện Asanzo khẳng định.

Ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo cho rằng: "Sau 89 ngày bão tố dính đến nghi vấn giả xuất xứ, thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng đến ngày hôm nay, chúng tôi đã được minh oan và công ty cũng chính thức hoạt động trở lại". Ông Tam cũng cho biết, doanh nghiệp sẽ khai trương thêm 1 nhà máy tại khu công nghệ cao quận 9, TP HCM

Cũng tại buổi họp báo, nhiều phóng viên báo chí đặt vấn đề về việc đến nay, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính vẫn chưa công bố kết luận cuối cùng nhưng Asanzo đã tổ chức họp báo và cho rằng được "minh oan", thì luật sư Trần Đức Hoàng, Tư vấn pháp lý của Asanzo cho rằng, kết luận của Tổng cục Hải quan chính là kết luận cuối cùng.

Thành Nhân
Phiên bản di động