Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc: Khai giảng khóa đào tạo cập nhật kiến thức y khoa liên tục
Ông Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại chương trình |
Ông Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong cơ sở khám chữa bệnh, đối tượng giao tiếp chủ yếu là người bệnh và người nhà người bệnh.
Bệnh nhân tâm thần không chỉ là những người mắc các bệnh tâm thần xã hội như tâm thần phân liệt, động kinh mà còn gia tăng ở các dạng tâm thần khác như rối loạn tâm thần cấp, rối loạn hoang tưởng, rối loạn cảm xúc, loạn thần thực tổn, rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu…
Bởi vậy, mỗi nhân viên y tế không chỉ có trình độ về chuyên môn mà cần phải có cả các kỹ năng mềm, đặt biệt là kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh.
Thời gian qua, để học hỏi kinh nghiệm, bệnh viện đã mời những giảng viên giàu kinh nghiệm để tổ chức lớp tập huấn cho tất cả các cán bộ, viên chức, người lao động đang công tác và làm việc tại bệnh viện, qua đó trau dồi những kỹ năng giao tiếp, ứng xử cần thiết khi tiếp xúc với người bệnh và người nhà người bệnh để họ yên tâm vui vẻ và hài lòng hơn khi đến và điều trị.
Toàn cảnh buổi tập huấn |
Cũng tại hội nghị đã được nghe các chuyện gia hàng đầu Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia - Bệnh viện Bạch mai gồm có PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn; BSCKII. Bùi Văn San; Ths. Lê Công Thiện; BSCKII. Bùi Văn Lợi đã giảng dạy các kiến thức về bệnh tâm thần cho toàn thể lớp học.
PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, vấn đề chẩn đoán và điều trị các chứng rối loạn tâm thần đòi hỏi những kỹ thuật rất cao, trang thiết bị hiện đại, cũng như năng lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ.
“Thực tế cho thấy, các bệnh về tâm thần cũng đòi hỏi phải có những chuyên khoa riêng biệt – ví dụ như sức khỏe tâm thần trẻ em, sức khỏe tâm thần người cao tuổi, bệnh tự kỷ, trầm cảm, mất ngủ, nghiện các chất kích thích… Phải chẩn đoán tốt, điều trị tốt thì mới nâng cao được hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, bởi lẽ có bệnh nhân không chỉ mắc một chứng rối loạn tâm thần, và có những bệnh nhân tâm thần nhưng “lạc” ở những khuyên khoa khác. Do đó, xây dựng Đề án phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các chứng rối loạn tâm thần trên địa bàn là cần thiết.” - PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, BSCKII. Bùi Văn Lợi cũng nêu thêm ý kiến, việc xây dựng Đề án phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc nên thực hiện theo hướng bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ ngoài chuyên khoa tâm thần – có thể khám bệnh đa khoa phù hợp với văn bằng chứng chỉ của đội ngũy y bác sĩ, cũng như trang thiết bị phương tiện kỹ thuật của bệnh viện.
Trong đó, bệnh viện sẽ tập trung vào một số nội dung như thực trạng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần; xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động chuẩn cho Bệnh viện Tâm thần tỉnh phù hợp với cơ cấu bệnh tật; những sáng kiến, cách làm hay trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần…
Lớp học được tổ chức trong thời gian là 5 ngày (tương đương với 40 tiết học), từ ngày 5/8/2024 đến hết ngày 9/8/2024, bao gồm 3 ngày học lý thuyết và 2 ngày thực hành.