Đề xuất doanh nghiệp Nhà nước trả lương như tư nhân để thu hút nhân tài chuyển đổi số
Có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trước chính sách thuế của Mỹ Doanh nghiệp Châu Âu tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam |
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp Nhà nước về chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, tổ chức ngày 15/4, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB Lưu Trung Thái cho biết, các doanh nghiệp cần có tư duy làm việc và áp dụng các phương pháp giống như các công ty công nghệ.
Trên cơ sở đó, để có quy mô khách hàng lớn nhất, mỗi năm MB đầu tư cho công nghệ khoảng 100 triệu USD liên tục trong vòng 7 năm, áp dụng công nghệ mới nhất để giải bài toán có khách hàng nhanh.
Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm MB có 5-7 triệu khách hàng mới, dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch và số lượng khách hàng mới vào hệ thống.
"Chúng tôi cũng dùng hệ thống của các công ty công nghệ đang làm, vận dụng vào MB, khiến doanh thu từ áp dụng chuyển đổi số của MB tăng gấp 3 lần so với thông thường", ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo MB, chúng ta cần ưu tiên các cơ hội về chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho doanh nghiệp Nhà nước, từ đó phát huy tính dẫn dắt của các đơn vị này.
![]() |
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Lưu Trung Thái. |
Thứ hai, cho phép doanh nghiệp Nhà nước có chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân, từ đó các doanh nghiệp nhà nước sẽ dựa vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư cho chuyển đổi số.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi số, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để góp phần tăng trưởng nhanh, hướng đến tăng trưởng hai con số và phát triển kinh tế bền vững; tham mưu, hiến kế của các doanh nghiệp cho Chính phủ để ứng phó chủ động, phù hợp, hiệu quả với những diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay về thương mại - đầu tư quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2024, cả nước có 671 doanh nghiệp nhà nước, gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Năm 2024, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 227 ngàn tỷ đồng.
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá thời gian qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước một lần nữa được khẳng định và phát huy là một công cụ hữu hiệu để Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực, dẫn dắt, phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, hỗ trợ, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến hết năm 2024, các doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất kinh doanh. Các dự án cơ bản đều đã được doanh nghiệp nhà nước khẩn trương thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Các dự án của doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Các ý kiến cho rằng, với vai trò của mình, doanh nghiệp Nhà nước cần dẫn dắt và thiết lập chuẩn mực các tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình số hóa mẫu, quy trình vận hành hiệu quả để định hướng cho toàn ngành.
Doanh nghiệp Nhà nước phải là một lực lượng quan trọng thực hiện các chiến lược của Chính phủ trong xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các doanh nghiệp có thể đi đầu trong triển khai các nền tảng dùng chung, dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở..., đi đầu trong việc đầu tư vào công nghệ mới như: AI, IoT, Blockchain, Big Data… với mục tiêu hiện đại hóa quản lý, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập quốc tế và mở rộng phạm vi phục vụ.
Cụ thể là cần tăng cường đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần khẩn trương xây dựng các cơ chế, hành lang pháp lý với những giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng tận dụng được thế mạnh, phấn đấu cao, nỗ lực đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của từng ngành, lĩnh vực và mục tiêu chung của cả nền kinh tế.