Bảo quản bảo vật quốc gia thời công nghệ số
26 bảo vật vàng hơn nghìn năm tuổi ở miền Tây Tháp gốm men chùa Trò (Vĩnh Phúc) là bảo vật quốc gia Bảy bức tranh là 'Bảo vật quốc gia' |
Có thể nói, mỗi bảo vật kết tinh trong nó câu chuyện về lịch sử của cả trăm năm, thậm chí cả nghìn năm. Chúng ta có thể làm gì để những câu chuyện ấy không ngủ yên và trở nên sống động, truyền cảm hứng cho đời sống đương đại?
Tượng đầu rồng, một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc dân tộc (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội) |
Hoàng thành Thăng Long, nơi đang lưu giữ 5 trong số 27 bảo vật quốc gia mới được công nhận gần đây nhất. Đầu rồng thời Trần được tìm thấy tại khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, là một trong hai đầu rồng nguyên vẹn nhất của thời Trần được tìm thấy và là minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý - Trần.
Chị Lê Thị Khánh Vân, cán bộ thuyết minh thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bày tỏ: “Thời Lý - Trần, nước ta coi Phật giáo chính là quốc giáo, rồng còn có ý nghĩa là thần quyền khi hình tượng, đường nét của đầu rồng, thân rồng thể hiện sức mạnh của triều đại phong kiến Việt Nam”.
Súng thần công thời Lê Trung Hưng mới được công nhận là bảo vật quốc gia (Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh) |
Súng thần công thời Lê Trung Hưng là hiện vật quý hiếm cho thấy súng thần công và nghệ thuật đúc đồng của Đại Việt thế kỷ XVII đã đạt đến trình độ cao. Thành bậc điện Kính Thiên mang nét điển hình của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng, điển hình nhất là Văn Mây, Đao Mác với các bước chạm diễn tả cá hóa rồng trong đầm sen độc đáo, khác lạ.
Tượng An Dương Vương niên đại cuối thế kỷ XIX hiện được thờ tại khu di tích Cổ Loa với phương pháp đúc đồng thủ công tinh xảo. Bức tượng lột tả phong thái ung dung, đường bệ, uy quyền của một bậc đế vương.
Bộ bát đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê Sơ, là đồ dùng hàng ngày của vua, hoa văn được vẽ bằng bút lông trực tiếp trên gốm. Rồng trên bộ bát đĩa được thể hiện ở tư thế bay lượn, không uyển chuyển, mềm mại như rồng thời Lý - Trần, rồng thời Lê mạnh mẽ, thể hiện sức mạnh và quyền lực của thiên tử, đồng thời cho thấy công nghệ làm lò nung giữ nhiệt thời kỳ này đã đạt đến trình độ cao.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tam Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa công nghệ, áp dụng công nghệ vào để công chúng hiểu được rằng, cách đây hàng trăm năm, với bàn tay người thợ mà lại có được những sản phẩm quý giá đến như vậy”.
Bộ lịch blốc với chủ đề “Bảo vật quốc gia” |
Những điều nêu trên rất đáng tự hào nhưng không phải ở đâu bảo vật quốc gia nào cũng được gìn giữ, phát huy như ở Hoàng thành Thăng Long. Rất nhiều bảo vật nằm rải rác tại các địa phương trong các di tích, chế độ bảo vệ thì mỗi nơi một kiểu và không phải là không có sự lơ là.
Ví dụ như vụ bảo vật quốc gia, bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng tới 30% do bất cẩn khi lau vệ sinh của Bảo tàng TP HCM hồi năm 2019. Tác phẩm bị mất đi lớp sơn bề mặt nên sự uyển chuyển, tinh tế, liên kết giữa các mảng sơn, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn sự uyển nhã, huyền ảo của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí.
Luật Bảo vệ di sản đã quy định bảo vật phải được bảo quản theo chế độ đặc biệt nhưng đó là về lý thuyết. Trên thực tế, hầu hết các địa phương chưa có phương án, đề án bảo quản kỹ lưỡng, lâu dài.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho biết: “Một khi đã xây dựng hồ sơ để Nhà nước công nhận cái hiện vật trong bộ sưu tập của mình là bảo vật quốc gia thì phải có ý thức coi nó là bảo vật quốc gia thực sự, trong khi phần lớn là chạy theo thương hiệu là bảo vật quốc gia chứ phần trách nhiệm đi kèm thì lại không được chú trọng. Có địa phương không đến mức quá nghèo, không có được phương tiện đủ hiện đại để bảo quản hiện vật. Nếu chúng ta coi trọng, chú trọng thì vẫn có thể khắc phục được”.
Trừ một vài bảo tàng lớn thuộc khu vực Trung ương thì hiện tại phổ biến có 2 cách ứng xử với bảo vật quốc gia. Một là giữ nguyên hiện trạng như trước khi được công nhận. Cách ứng xử này tuy giữ nguyên được thực trạng vốn có của bảo vật nhưng lại khiến cho bảo vật quốc gia đối mặt với nhiều rủi ro như tác động của thiên nhiên.
Một cách khác là cất bảo tàng vào kho, cửa đóng then cài, tuy đảm bảo được an toàn cho bảo vật nhưng lại tước đi “đời sống” cho nó, khiến cho bảo vật không còn phát huy được trọn vẹn. Vậy làm thế nào để mang lại một sức sống mới, xứng tầm vóc của bảo vật quốc gia là một thách thức không hề dễ dàng. Thực tế đã có những nỗ lực đáng được ghi nhận…
Đầu năm 2023, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã cho ra mắt bộ lịch Bảo vật quốc gia Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành xuất bản, 228 bảo vật quốc gia lên lịch nloc. Bộ lịch được đánh giá như Bách khoa toàn thư về bảo vật quốc gia.
Bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn để các trang lịch bảo vật quốc gia có thể nói lên được truyền thống của dân tộc, về phong tục, tập quán, văn hóa. Với những giá trị như thế, cuốn lịch Bảo vật quốc gia có ý nghĩa như là tác phẩm văn hóa”.
Trước đó, một số bảo tàng đã ứng dụng công nghệ tham quan ảo, giới thiệu bảo vật quốc gia như tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Người xem chỉ cần dùng 1 thiết bị di động thông minh là có thể tự tham quan, tìm hiểu thông tin của các bảo vật. Thậm chí, giờ đây các bảo vật quốc gia còn được in 3D, trở thành đồ lưu niệm ý nghĩa, mang cả giá trị văn hóa và kinh tế.
Kiến trúc sư Đinh Việt Phương, Giám đốc Công ty CP 3Dart tâm sự: “Mình nhìn những giá trị các bảo vật của cha ông bằng con mắt của người sáng tạo, người làm thiết kế và muốn mang hồn cốt của cha ông để tạo ra sản phẩm để có thể ứng dụng cho thực tế
Những cổ vật khi đã trở thành bảo vật quốc gia là có một đời sống khác. Nhiều nỗ lực từ phía Nhà nước và tư nhân đang được triển khai để bảo vật cất lên tiếng nói, phát huy những giá trị trường tồn, không bị lớp bụi thời gian phủ mờ qua năm tháng.
Đã đến lúc những giá trị văn hóa, lịch sử của các bảo vật quốc gia phải được lan tỏa một cách trọn vẹn. Cái bắt tay giữa các bảo tàng, di tích với du lịch, truyền thông và công nghệ sẽ là lời giải hữu hiệu cho câu hỏi: Bao giờ bảo vật quốc gia thực sự được đánh thức?