Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô
Những bộ phim xuất sắc nhất nói về nghề báo Báo chí, liêm chính và trách nhiệm Báo chính thống và mạng xã hội trong cuộc giằng co không cân sức |
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thăm gian báo Tuổi trẻ Thủ đô Xuân 2019 |
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về những kết quả trong việc phối hợp giữa TP Hà Nội và các cơ quan báo chí trong thời gian qua.
- PV: Thưa ông, thời gian qua, việc phối hợp giữa Thành phố Hà Nội và các cơ quan báo chí đã được thực hiện như thế nào?
- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Có thể khẳng định, lãnh đạo Thành phố Hà Nội thường xuyên dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động và sự phát triển của báo chí.
Trong những năm qua, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí. Năm 2014, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU “Về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí”; năm 2015 tiếp tục ra Quyết định số 6524-QĐ/TU ban hành "Quy chế tổ chức Hội nghị Giao ban thông tin báo chí của Thành ủy Hà Nội". Mới đây, UBND thành phố có Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ngày 5/9/2018 về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước Thành phố Hà Nội thay thế cho Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành năm 2014 để nâng cao hiệu quả tuyên truyền đối với Thủ đô.
Thành phố cũng đã tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp công tác đối với nhiều cơ quan báo chí Trung ương như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, báo Đại biểu nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Điện tử Chính phủ...
Công tác phối hợp, cung cấp thông tin cho báo chí của các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã theo các quy định của Trung ương và Thành phố được thực hiện ngày càng tốt hơn. Hà Nội thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế tới cơ sở để các phóng viên các cơ quan báo chí có thể trực tiếp quan sát, phản ánh sinh động các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị. Mặt khác, Hà Nội cũng thực hiện tốt Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị và Luật Báo chí trên địa bàn, tạo mọi điều kiện thuận lọ cho báo chí hoạt động đúng luật và hiệu quả.
Đáng chú ý, từ năm 2000, Thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban thông tin báo chí hàng tuần với sự tham gia của trên 100 nhà báo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội, các báo địa phương đóng trên địa bàn Thủ đô nhằm cung cấp thông tin cho báo chí. Thông qua các hội nghị giao ban này, các báo, đài Trung ương, địa phương và Hà Nội có dịp trao đổi, thông tin hai chiều với đại diện lãnh đạo các cấp, các ngành của Thành phố. Qua đó chất lượng thông tin về các hoạt động kinh tế - xã hội của Hà Nội trên báo chí ngày càng được nâng cao. Thành phố luôn coi đây là kênh thông tin rất quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần thiết thực cổ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Bên cạnh đó, Hà Nội rất quan tâm và thực hiện tốt công tác điểm báo hàng ngày để nắm bắt sâu hơn tình hình báo chí, dư luận phản ánh về các vấn đề, vụ việc bức xúc trên địa bàn. Từ đó giúp lãnh đạo Thành phố có những quyết sách phù họp, chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương, đơn vị kịp thời xử lý các vụ việc và trả lời báo chí theo quy định; góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố.
Theo nhận xét của lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí, Hà Nội là địa phương rất tích cực trong công tác phối hợp với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí để người dân được hưởng thụ những thông tin xác thực nhất, đa chiều nhất. Điều này càng khẳng định sức mạnh và sự kịp thời của báo chí; vai trò quan trọng của báo chí đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
- PV: Việc phối hợp giữa TP Hà Nội và báo chí đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng cũng có những tồn tại nhất định. Theo ông, những tồn tại đó là gì và hướng khắc phục ra sao?
- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Có thể khẳng định rằng, thời gian qua báo chí đã vào cuộc với ý thức và trách nhiệm cao đối với Thủ đô Hà Nội, vì mục tiêu chung là xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, một số cơ quan báo chí trong quá trình thông tin về Hà Nội, một số vụ việc chưa phản ánh đúng bản chất vấn đề, sự việc, tạo thành những bức xúc không đáng có trong dư luận xã hội; báo chí còn thiếu những bài viết tuyên truyền, cổ vũ các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, đúc rút kinh nghiệm, giới thiệu mô hình mới có sức thuyết phục, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô.
Nguyên nhân của những hạn chế trên có thể do sự “nóng vội”, thiếu thông tin, do cách tiếp cận, hoặc do quan niệm của người viết chưa nhìn nhận đầy đủ vấn đề; sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số tờ báo đối với phóng viên còn chưa kịp thời...
Vì vậy, đối với những vấn đề nhạy cảm, phức tạp trên địa bàn Thành phố, đề nghị các cơ quan báo chí cần kiểm chứng một cách thận trọng, chính xác và khi thông tin, tuyên truyền cần bảo đảm khách quan, toàn diện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trên cơ sở vì mục tiêu phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
- PV: Năm 2018 là năm đầu tiên Ban Tuyên giáo tham mưu cho Thành ủy Hà Nội tổ chức 2 giải báo chí về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của hai giải báo chí đối với việc nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Thành phố và cơ quan báo chí?
- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác phát triển văn hóa xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ là nhiệm vụ của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp mà cần có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân, trong đó báo chí có vai trò quan trọng.
Hai giải báo chí nêu trên được tổ chức với mục đích tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh; nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội trong việc viết, sáng tác tác phẩm về xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, động viên, khuyến khích phóng viên, biên tập viên, cán bộ, đảng viên và nhân dân sáng tác nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng tuyên truyền của các cơ quan báo chí về công tác xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Là năm đầu tiên tổ chức, nhưng 02 giải báo chí của Thành phố đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của nhiều cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội và đông đảo các nhà báo với số lượng tác phẩm phong phú. Các tác phẩm dự thi đa dạng ở thể loại, phong phú về chủ đề, có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa tích cực trong nhân dân. Đa số các tác phẩm đều có sự đầu tư về nội dung, chất lượng khá tốt và tương đối đồng đều, thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết của người làm báo đối với công tác xây dựng Đảng và phát triển văn hóa của Thủ đô.
Với chất lượng tác phẩm và số lượng cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội tham gia dự thi, có thể khẳng định công tác tổ chức Giải Báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội; Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ I - năm 2018 đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Đây là tiền đề để 02 giải báo chí của thành phố Hà Nội được thực hiện tốt hơn trong các năm tiếp theo.
- PV: Cùng với các cơ quan báo chí khác, những năm qua báo Tuổi trẻ Thủ đô đã không ngừng đổi mới, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng thành phố Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Ông đánh giá như thế nào về sự đổi mới này?
- Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Không thể phủ nhận những năm qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác chuyên môn, ghi dấu ấn ngày càng đậm nét trong hệ thống báo chí Thủ đô và đất nước. Nhiều giải thưởng cao quý đã được tập thể tờ báo cũng như cá nhân các cán bộ phóng viên giành được trong cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố Hà Nội; phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2018; cuộc thi ảnh Tuổi trẻ sáng tạo chung sức xây dựng nông thôn mới…
Bên cạnh việc ổn định và phát triển tờ báo về nội dung, hình thức, báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã có nhiều hoạt động xã hội như tổ chức trao quà trực tiếp đến tay đồng bào lũ lụt; tặng báo đến các chiến sĩ đang công tác tại biên cương; tổ chức chương trình "Xuân yêu thương" đồng hành cùng học sinh vùng cao, tặng quà cho công nhân lao động trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại Khu công nghiệp và chế xuất… Đáng chú ý, báo đã tổ chức thành công Giải cầu lông Học sinh - sinh viên tranh cúp báo Tuổi trẻ Thủ đô thường niên, tạo thương hiệu riêng cho tờ báo của đoàn viên, thanh niên Thủ đô...
Đặc biệt những năm gần đây, Ban Biên tập Báo đã bản lĩnh, trí tuệ chèo lái con thuyền Tuổi trẻ Thủ đô vượt qua khó khăn; đoàn kết cán bộ, phóng viên để cùng xây dựng ngôi nhà chung báo Tuổi trẻ Thủ đô ấm áp, tràn đầy tình yêu thương. Tôi tin tưởng, với tinh thần đoàn kết ấy, báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ ngày càng phát triển.
- PV: Xin chân thành cảm ơn ông!