Bánh cốm Nguyên Ninh dán biển sửa chữa sau khi bị yêu cầu dừng hoạt động
Tạm dừng lưu thông sản phẩm Babistar ZinC |
Cơ sở thực phẩm nổi tiếng phải tạm dừng hoạt động
Theo giới thiệu của bánh cốm Nguyên Ninh, đây là thương hiệu thành lập từ năm 1865 tại số 11 phố Hàng Than. Dòng họ Nguyễn Duy là người đầu tiên làm ra chiếc bánh cốm này, vì thế người ta vẫn cho rằng Nguyễn Duy cũng là “ông tổ” của loại bánh này. Được biết, từ “Nguyên Ninh” được in trên bao bì sản phẩm có nghĩa là “nguyên gốc làng Yên Ninh”.
Cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội) đóng cửa sáng 3/1 |
Thời điểm mới ra mắt, những chiếc bánh cốm hiệu Nguyên Ninh được bán ở chợ Đồng Xuân và nhanh chóng nổi tiếng khắp Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, thương hiệu bánh cốm Nguyên Ninh đã trải qua 6 thế hệ nối dõi và hơn 150 năm qua bí kíp làm bánh chỉ được truyền dạy cho con cháu trong nhà.
Được biết đến là cơ sở hoạt động lâu năm, thu hút đông đảo thực khách, song, sáng 3/1, theo quan sát của phóng viên, cánh cửa gỗ của cơ sở này đóng chặt, không có người ra vào. Ngoại trừ một vài khách quen tìm đến cơ sở và hụt hẫng ra về, phía trước số 11 Hàng Than vắng hiu hắt, trái ngược hoàn toàn với cảnh tập nập bán mua những ngày trước đó.
"Cửa hàng đang tạm ngưng sản xuất để nâng cấp và sửa chữa. Kính mong quý khách quay lại sau" |
Hai tờ giấy A4 dán trước cửa giải thích: "Cửa hàng đang tạm ngưng sản xuất để nâng cấp và sửa chữa. Kính mong quý khách quay lại sau".
Bán hàng ở nhà đối diện, bà T nhanh nhảu cho biết: Hôm qua, đoàn kiểm tra của thành phố đến làm việc, phát hiện nhiều vấn đề lắm. Do đó, cửa hàng phải đóng cửa, chưa biết đến khi nào mới tiếp tục hoạt động.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Trước đó, chiều 2/1, thực hiện Quyết định số 6284/QĐ-UBND ngày 5/12/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP đã kiểm tra tại cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (số 11 Hàng Than, quận Ba Đình).
Việc bảo quản thực phẩm cũng không có khu vực bảo quản riêng bao bì, nguyên liệu và thành phẩm |
Qua kiểm tra đột xuất thực tế tại cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh hiện cơ sở có 5 nhân công lao động sản xuất và 1 chủ cơ sở. Tuy nhiên chủ cơ sở chưa xuất trình giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và 5 người lao động; hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: Đáng lo ngại hơn, điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu riêng biệt, khu vực sản xuất chung với khu vực sinh hoạt của gia đình; không có khu vực đóng gói, dán nhãn sản phẩm.
Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động |
Tường trần nền khu vực sản xuất ẩm mốc, rạn nứt, bong tróc, xuống cấp toàn bộ; cống rãnh khu vực sản xuất hở, ứ đọng nước rác. Trong khu sản xuất có 1 nhà vệ sinh và các khu vực sinh hoạt của gia đình tiềm ẩn nguy cơ lây chéo.
Khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên; quần áo tư trang phơi giặt trong khu vực sản xuất. Người lao động không có trang phục bảo hộ riêng, dụng cụ sơ chế, sản xuất chuyên dụng.
Cơ sở cũng không trang bị dụng cụ phòng chống côn trùng, động vật gây hại, có côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên đối với trang thiết bị dụng cụ để sản xuất thực phẩm.
Việc bảo quản thực phẩm cũng không có khu vực bảo quản riêng bao bì, nguyên liệu và thành phẩm; khu vực bảo quản không có giá kệ, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên.
Trong công tác kiểm tra, đoàn cũng lưu ý nhắc nhở cơ sở về ghi nhãn sản phẩm chưa phù hợp với bản tự công bố sản phẩm, chưa phù hợp với các quy định về ghi nhãn hạn sử dụng hàng hóa.
Đoàn ghi nhận, khu vực sản xuất không bố trí một chiều, không phân khu riêng biệt, sắp xếp lộn xộn. Qua kiểm tra, đoàn yêu cầu cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh tạm dừng hoạt động. Đồng thời, Đoàn giao Ban chỉ đạo quận tiếp tục giám sát việc cơ sở tự khắc phục.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm vào thời điểm giáp Tết, lễ hội là rất cần thiết. Khi phát hiện cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã yêu cầu cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh cũng như Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Hương dừng sản xuất là đúng. "Việc cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm việc đóng cửa là đúng, bởi trong sản xuất phải đủ điều kiện. Đây là cơ sở sản xuất bánh cốm truyền thống, đã có lâu đời ở phố cổ Hà Nội. Cơ sở của gia đình quy mô nhỏ nhưng khá nổi tiếng. Nhiều người cũng như du khách thường lui tới đây mua làm quà biếu hay phục vụ cưới hỏi. Tuy nhiên, dù cơ sở sản xuất cũ hay mới vẫn phải thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế về điều kiện sản xuất thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu không đủ điều kiện không được sản xuất. Việc cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, cơ sở sản xuất bánh cốm cần phải thay đổi để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, phục vụ nhân dân trong dịp Tết cũng như lễ hội", ông Thịnh nhấn mạnh. |